Bộ GD&ĐT đã công bố điểm thi, phổ điểm từng môn và các tổ hợp xét tuyển. Từ đó, nhiều trường Đại học, Cao đẳng đã xác định điểm sàn xét tuyển năm 2020.
Năm nay, ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội lấy điểm sàn là 18 điểm đối với chương trình đào tạo chất lượng cao (mã xét tuyển QHE40, QHE41, QHE42, QHE43, QHE44, QHE45) và 16,5 điểm đối với chương trình liên kết quốc tế (mã xét tuyển QHE80).
Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào gồm tổng điểm các môn thi theo tổ hợp xét tuyển tính hệ số 1 cộng điểm ưu tiên đối tượng, khu vực.
Có 318 thí sinh trúng tuyển bằng phương thức này được xét thẳng và ưu tiên xét tuyển. Kết quả xét thẳng và ưu tiên xét tuyển cũng đã được trường công bố.
Đồng thời, nhà trường cũng công bố điểm xét tuyển tính theo thang điểm. Trong đó, thí sinh phải đạt điểm tiếng Anh từ 4 trở lên đối với chương trình đào tạo chất lượng cao và 6,5 điểm trở lên đối với chương trình liên kết quốc tế. Ở cả hai chương trình, điểm môn này nhân hệ số 2.
Chỉ tiêu xét tuyển từng ngành của ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2020.
Học viện Ngân hàng không chia điểm sàn theo từng chương trình đào tạo khác nhau mà xác định chung một ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho các phương thức xét tuyển là 19 điểm.
Theo đó, điểm sàn được tính theo tổng điểm thi tốt nghiệp THPT 2020 của 3 môn thuộc tổ hợp xét tuyển của ngành đăng ký và điểm ưu tiên theo khu vực, đối tượng.
Năm nay, Học viện Ngân hàng có 42 thí sinh trúng tuyển hệ đại học chính quy theo diện xét tuyển thẳng. Trong đó gồm 29 học sinh đoạt giải trong kỳ thi Khoa học Kỹ thuật và chọn Học sinh giỏi quốc gia, 13 học sinh thuộc diện 30a.
Nhiều trường công bố điểm sàn ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm thi tốt nghiệp THPT. (Ảnh minh họa)
Với phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ Ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT, điểm sàn của trường Đại học Ngoại thương được tính theo tổng điểm 2 môn thi.
Các chương trình đào tạo khác nhau sẽ có mức điểm sàn khác nhau. Cụ thể, mức điểm nhận hồ sơ cho chương trình tiên tiến Kinh tế đối ngoại là 18, các chương trình tiên tiến khác và chương trình chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh là 17. Chương trình Ngôn ngữ thương mại lấy điểm sàn 16,5.
Đối với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT, ĐH Ngoại thương cũng quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho các ngành đào tạo tại 3 cơ sở. 23 điểm là điểm sàn cho tất cả chương trình giảng dạy tại trụ sở chính Hà Nội và cơ sở 2 TP.HCM và 18 điểm là ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào tại cơ sở Quảng Ninh.
Điểm sàn của trường ĐH Ngoại thương.
Chỉ tiêu tuyển sinh của ĐH Ngoại thương năm nay là 3.990 với 30 chương trình. Trong đó, 50% là các chương trình tiên tiến, chất lượng cao, giảng dạy bằng tiếng Anh và ngoại ngữ khác.
ĐH Ngoại thương hoàn thành xét tuyển 50% chỉ tiêu theo các phương thức 1 và 2, đây là phương thức dành cho thí sinh tham gia kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia, thí sinh đoạt giải Học sinh giỏi cấp tỉnh, trường chuyên và phương thức sử dụng chứng chỉ quốc tế.