Điều gì khiến chúng ta ghi nhớ suốt rất nhiều năm?

Điều gì khiến chúng ta ghi nhớ suốt rất nhiều năm?
HHT - Người ta có thể quên những gì bạn nói và những gì bạn làm, nhưng họ sẽ không quên những gì bạn khiến họ cảm thấy.

Năm tôi mới 4 tuổi, ông nội tôi qua đời sau một cơn đau tim, trong lúc cả nhà chúng tôi đang ngồi ở khu vực chờ của một phòng cấp cứu bệnh viện. Lúc đó, tất nhiên tôi còn rất nhỏ, nhưng tình cảnh này đã khiến tôi vô cùng sợ hãi suốt nhiều ngày sau đó. Rồi nó trở thành một trải nghiệm đầy ám ảnh mà tôi không quên được, mà đôi khi nhớ đến, tôi phải cố làm việc khác để mau chóng dẹp những suy nghĩ ấy đi.

Thế rồi, vài năm sau, khi tôi đang học tiểu học, thì một buổi tối, gia đình chúng tôi nhận được điện thoại báo rằng ông ngoại tôi bị đau tim và đang được đưa vào viện cấp cứu. Bố mẹ chúng tôi làm ngay việc mà bố mẹ nghĩ là phù hợp: chuẩn bị quần áo sẫm màu cho cả nhà, phòng trường hợp xấu nhất, rồi cả nhà lên xe ô tô, đi liên tục 8 giờ đồng hồ để đến chỗ ông.

Khi gần tới viện, chúng tôi nhận được tin báo rằng ông đã chuyển sang phòng chăm sóc đặc biệt. Vì vậy, khi tới nơi, bố mẹ bảo tôi cứ đi tới phòng đó, nơi có một số người họ hàng đang đợi, còn bố mẹ sẽ tìm chỗ để xe, rồi sắp xếp ít đồ mang tới sau. Tôi vẫn nhớ lúc tôi bước vào thang máy, và cửa thang máy từ từ đóng lại – tôi cảm thấy phần lớn lượng khí oxy đã bị lấy đi mất. Ký ức sợ hãi của năm 4 tuổi lại ùa về, khiến tôi thấy khó thở, và như tê liệt cả tinh thần lẫn ý chí.

Trong thang máy đã có người, một ai đó mà tôi không quen. Không, tôi không thể nhớ đó là một bác sĩ, hay một bệnh nhân, hay một người nhà của ai đó. Tôi chỉ biết rằng cô ấy bước lại gần tôi, hỏi tôi có chuyện gì. Tôi cũng không nhớ nổi là mình đã kể lại câu chuyện thế nào. Tôi chỉ biết rằng, sau đó, cô ấy đưa cho tôi một chiếc gối hình trái tim, nói rằng hãy đem tới cho ông tôi, nằm chiếc gối đó sẽ giúp ông bớt đau mỗi khi bị ho. Cô ấy cũng giải thích rằng tôi sẽ nhìn thấy những cái dây và những cái ống, rằng chức năng của chúng là hỗ trợ bệnh nhân và tôi không nên sợ. Cuối cùng, cô ấy chúc ông tôi mau bình phục và bảo tôi hãy đến thăm ông mau đi.

Chiếc gối hình trái tim như một lời nhắc nhở về lòng nhân hậu.

Tôi đi đến bên ngoài phòng chăm sóc đặc biệt, nơi có người nhà đang chờ. Một chút sau, bố mẹ tới và hỏi tôi lấy chiếc gối hình trái tim ở đâu. Chẳng hiểu sao tôi không giải thích nổi. Tôi chỉ cảm thấy mình đã trở nên mạnh mẽ hơn – một sức mạnh mà trước đó tôi không có.

Có thể, trong lúc tâm trạng quá bối rối, tôi không thể nhớ được gì nhiều. Tôi không còn nhớ người phụ nữ trong thang máy hôm đó trông thế nào, mặc trang phục ra sao. Tôi cũng không hỏi tên cô ấy. Tuy nhiên, tôi vẫn nhớ rõ rằng cô ấy có giọng nói rất ấm áp. Và ở trong bệnh viện, nơi mà ai cũng vội vã và đầy lo lắng, thì cô ấy vẫn dành thời gian để quan tâm đến một đứa trẻ đang sợ hãi. Cô ấy có lòng nhân hậu lớn lao và tôi sẽ không bao giờ quên được sự tử tế đó. Tính đến giờ đã là 12 năm kể từ khi tôi vào thăm ông ngoại tôi trong bệnh viện, và hành động đơn giản của một người xa lạ ngày nào vẫn còn nguyên trong tâm trí tôi, như một lời nhắc nhở tôi luôn quan tâm đến những người xung quanh; rằng một việc làm tử tế, dù nhỏ, cũng có thể tạo nên điều khác biệt lớn trong suốt cả cuộc đời ai đó.

Tôi chưa từng chia sẻ với ông tôi câu chuyện về “sự tích” chiếc gối hình trái tim mà đến giờ ông vẫn đang dùng. Nhưng tôi nghĩ tôi sẽ kể với ông vào cuối tuần này, khi tôi đến thăm ông (thật đáng mừng, là ở nhà ông, chứ không phải ở trong bệnh viện).

Theo INTERNET
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Công xưởng xanh của Apolenka: Chìm vào màu xanh tuyệt đẹp như thế giới cổ tích

Công xưởng xanh của Apolenka: Chìm vào màu xanh tuyệt đẹp như thế giới cổ tích

HHT - “Công xưởng xanh của Apolenka” là một cuốn sách tuyệt đẹp. Không chỉ bởi các bức tranh với sắc xanh diệu kỳ tưởng như đang ở thế giới cổ tích, mà còn vì câu chuyện được kể rất ấm áp. Không những thế, cuốn sách còn mang đến cho các bạn nhỏ những hiểu biết thú vị về một nghề truyền thống ở nước Séc xa xôi.