Ảnh minh họa.
Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học công bố mới đây trên tạp chí The Lancet của Anh, ước tính 2/3 nam giới Trung Quốc hút thuốc sẽ vẫn tiếp tục thói quen hút thuốc lá và số lượng thanh thiếu niên hút thuốc vẫn trên đà tăng.
Theo tính toán, đà tăng trưởng dân số ở Trung Quốc đang dần chậm lại, số lượng nam giới từ 60 tuổi trở lên dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030, và số ca tử vong do các bệnh liên quan đến hút thuốc mỗi năm sẽ tăng gấp 3 lần, lên tới 3 triệu người vào năm 2050. Có những người hút thuốc ở Trung Quốc đã và đang bỏ thuốc, nhưng con số này không đáng kể, chỉ đạt 9%. Theo thống kê, phần lớn nam thanh niên Trung Quốc bắt đầu hút thuốc từ trước 20 tuổi.
Trong khi đó, tỷ lệ hút thuốc ở phụ nữ Trung Quốc giảm đáng kể, khoảng 10% phụ nữ lớn tuổi nước này hút thuốc, trong khi tỷ lệ này ở phụ nữ trung niên là 1%. Song, điều đáng lo ngại là sự gia tăng đáng kể lượng trẻ em nữ hút thuốc ở một số vùng tại nước này.
Cũng theo nghiên cứu của The Lancet, thì nhiều người hút thuốc ở Trung Quốc thường bắt đầu ở tuổi 25 và khi nền kinh tế nước này còn khó khăn, có rất nhiều người không mua nổi thuốc lá để hút mỗi ngày.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, Học viện Khoa học Y khoa Trung Quốc và Đại học Oxford, tỷ lệ mắc các bệnh về phổi, đột quỵ và suy tim đang tăng cao ở Trung Quốc, trong đó, những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc những bệnh này cao hơn người không hút thuốc.
Tuy nhiên, những nỗ lực chống hút thuốc lá ở Trung Quốc trở nên khó khăn khi thuốc lá được nhà nước phân phối độc quyền thông qua Tổng công ty Thuốc lá Quốc gia và mang lại 7% doanh thu cho chính phủ.
Bên cạnh đó, ở Trung Quốc còn tồn tại quan niệm cho rằng, người châu Á có cơ chế sinh học đặc biệt khiến cho thuốc lá ít nguy hại hơn, người Trung Quốc cổ đại xem việc hút thuốc như một truyền thống và việc từ bỏ thuốc lá chẳng mấy khó khăn.