“Ác mộng” tủ áo lặp lại của Emma Stone
Lần đầu Emma Stone dính sự cố bục khóa kéo là vào năm 2012 ở Met Gala. |
Vào năm Emma Stone 23 tuổi, tại Met Gala, nữ diễn viên từng phải chịu đựng nguyên buổi tối loay hoay che dấu lỗ hổng do bị bung khóa kéo trên chiếc đầm Lanvin màu đỏ cherry. Tuy nhiên, Emma không thay váy khác mà vẫn mặc luôn chiếc váy hỏng ở buổi tiệc sau sự kiện năm ấy.
Lần đó cũng dấy lên bàn tán về chất lượng chiếc đầm thêu tay của Lanvin. Các đánh giá cho rằng “Váy Lanvin gây ra nhiều rắc rối hơn giá trị của nó” vì Emma không chỉ gặp phải sự cố khóa kéo mà còn phải liên tục chỉnh sửa gì đó ở đằng trước khi nữ diễn viên đứng ở cổng vào bảo tàng Metropolitan hôm ấy.
Chất lượng váy Lanvin lúc đó bị bàn tán, vì không chỉ hỏng đằng sau mà phía trước cũng không thoải mái một vài điểm nào đó. |
Khi dự tiệc after party, Emma đã che khuyết điểm váy bằng một chiếc áo khoác. |
Nhiều năm sau, "ác mộng" lặp lại, lần này là váy Louis Vuitton bung khóa khi Emma Stone (nay đã 35 tuổi) được xướng tên chiến thắng hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc ở lễ trao giải điện ảnh danh giá Oscar cho vai diễn Bella Baxter trong phim Poor Things.
Khoảnh khắc niềm hạnh phúc xen lẫn sự bối rối vì khóa váy sau lưng đã bị bung của Emma lập tức viral khắp cõi mạng. |
Sau đó Louis Vuitton đã hứng nhiều chỉ trích, nhiều comment chế giễu khi chính hãng đăng lại tạo hình váy Emma bằng ảnh trắng đen trên kênh Instagram của nhà mốt. Trong suy nghĩ của nhiều người, đồ Haute Couture phải tượng trưng cho giấc mơ, sự hoàn hảo và cầu toàn cực đoan, thế nên sự kiện quan trọng như thế này khiến nhiều người thất vọng và đòi hỏi Louis Vuitton phải chịu trách nhiệm cho sự cố này.
Nhà mốt Louis Vuitton đã hứng nhiều chỉ trích, nhiều comment chế giễu. |
Người ta kỳ vọng Haute Couture thì lẽ ra phải bền hơn 2 tiếng đồng hồ. |
Sự cố thảm đỏ có ảnh hưởng đến nhà mốt xa xỉ hay không?
Ai cũng biết những dịp đặc biệt như Oscar là sự kiện mà các nhà mốt cực kỳ quan tâm, là cơ hội vàng để họ quảng bá thương hiệu. Nếu chiếc váy cùng chủ nhân nhận được tượng vàng năm đó, đây sẽ là cơ hội trở thành hình ảnh kinh điển, phủ khắp các mặt báo, liệt kê từng chi tiết mô tả trang phục. Cơ hội đi đôi với nguy cơ, sự cố trang phục cũng trở thành sự cố truyền thông tương tự như chuyện Louis Vuitton gặp phải năm nay.
Chiếc đầm xanh mint của Louis Vuitton lẽ ra rất hoàn hảo và tuyệt vời. |
Thật ra mà nói, đối với các ngôi sao, câu chuyện váy hỏng không phải là điều quá ngạc nhiên. Tất nhiên không ai mong váy mình bị hỏng, nhưng nếu có, đó cũng là tin tức giúp tên tuổi nữ chủ nhân được bàn tán nhiều hơn sau sự kiện. Những khoảnh khắc như vậy càng khiến hình ảnh ngôi sao trở nên gần gũi hơn, có cảm giác họ cũng như chúng ta, cũng bị quần áo "phản chủ" và dù tốn một đống tiền cũng không thể nào kiểm soát hoàn toàn được mọi thứ.
Amanda Seyfried gặp tình huống tương tự khi váy Dior bị rách dần sau lưng khi lên nhận giải tại Critics Choice Award mới năm ngoái. Sau đó cô phải che lại bằng một chiếc khoác đen. |
Câu hỏi đặt ra là các nhà mốt cao cấp có bị ảnh hưởng bởi sự cố hỏng váy áo của các ngôi sao không? Khi mà khán giả chỉ trích rằng chất lượng Haute Couture gì mà lại không chịu nổi 2 đến 3 tiếng đồng hồ của một lễ trao giải.
Thật ra, hầu hết các nhà mốt đều sẽ im lặng sau các sự cố mà không đưa ra phản hồi nào. Bởi vì từ khóa “wadrope malfunction” (sự cố trang phục) vẫn luôn là đề tài hấp dẫn mỗi khi các ngôi sao lên xiêm y lộng lẫy. Bởi vì dù các ngôi sao trông có vẻ giống chúng ta phải chịu cảnh váy rách, nhưng thật ra mặc chiếc váy rách trị giá tiền tỷ vẫn khác hẳn.
Sau đó thì nhà mốt vẫn bán váy áo cho ngôi sao, giới siêu giàu và khách hàng là fan của họ. Nhất là trong thời buổi ngành thời trang đang đứng trước lựa chọn: Tính viral thậm chí đang được coi trọng hơn cả chuyên môn thiết kế thì chuyện được bàn tán đôi khi vẫn thu lợi hơn cả làm một chiếc váy đắt đỏ xịn xò nhưng không ai nhắc tới.
Khi Jenifer Lawrence lên nhận giải Nữ chính xuất sắc, váy Dior của cô bị nghi là rách nên khi cô nhấc váy để di chuyển phần thân váy trông như chia ra làm hai, để lộ phần đùi. |
Sau đó Dior lên tiếng ngay: "Thiết kế của váy bên trong là nhiều tầng lớp xen kẽ voan và lụa, cho nên đó là thiết kế mặt trong chứ không có sự cố trang phục nào ở đây cả!”. |
Dĩ nhiên, các nhà mốt vẫn chớp lấy cơ hội phát ngôn khi có sự cố bị hiểu nhầm. Như trường hợp năm 2013 tại lễ trao giải SAG, Jenifer Lawrence lên nhận giải nữ chính xuất sắc, chiếc váy Dior của cô bị nghi là rách nên khi cô nhấc váy để di chuyển phần thân váy trông như chia ra làm hai, để lộ phần đùi. Sau đó Dior lên tiếng ngay: "Thiết kế của váy bên trong là nhiều tầng lớp xen kẽ voan và lụa, cho nên đó là thiết kế mặt trong chứ không có sự cố trang phục nào ở đây cả!”.
Trở lại chiếc váy Oscar của Emma Stone, nhiều fan LV lên tiếng bênh vực nhà mốt:
“Váy áo là do con người làm ra, và chuyện nó không hoàn hảo là hoàn toàn bình thường”
“Cũng phải nhấn mạnh cho rõ, khoá kéo bung, chứ không phải rách đường may, hai chuyện đó ý nghĩa khác nhau”
“Tôi là stylist và sự cố như thế này rất hay xảy ra dù là váy cao cấp. Vì yêu cầu bó sát cơ thể, những chuyện vất vả kéo khóa, hỏng, rách ... stylist nào cũng gặp phải đôi lần”.