Gen Z và trào lưu "rối loạn ngôn ngữ": Khi bệnh lý trở thành đề tài giải trí

0:00 / 0:00
0:00
HHT - Trong tuần qua, sức nóng của trào lưu “rối loạn ngôn ngữ” đã thu hút hơn 1.000 người dùng sáng tạo video bắt trend. Tuy nhiên, sức nóng của trào lưu vốn được tạo ra để chọc cười này có vô tình tạo thêm áp lực và làm tăng sự kỳ thị đối với những người không may mắn mắc những bệnh lý liên quan?

Bệnh lý bỗng trở thành đề tài giải trí

Các bệnh lý về hội chứng rối loạn ngôn ngữ gồm có rối loạn phát triển ngôn ngữ (DLD), rối loạn giao tiếp ngôn ngữ (SLI) hay rối loạn ngôn ngữ biểu cảm (ELD), ảnh hưởng đến cách một người nghe, nói, đọc, viết và khiến họ gặp khó khăn trong giao tiếp, học tập và làm việc.

Gen Z và trào lưu "rối loạn ngôn ngữ": Khi bệnh lý trở thành đề tài giải trí ảnh 1

Lượt tương tác khủng từ trào lưu trên nền tảng TikTok. Ảnh: Internet

"Chiếc" video về chủ đề rối loạn ngôn ngữ phiên bản ca dao tục ngữ của Tiktoker Bông Tím - Nguyễn Hoàng Chính Nghĩa có thể coi là video châm ngòi cho trào lưu này trên Tiktok, nhận được hơn 300 nghìn lượt tương tác, 20 nghìn lượt chia sẻ và 5000 lượt bình luận sau 24 giờ đăng tải.

Tiktoker Tường Hồng Phú cũng trở nên nổi tiếng với những content rối loạn ngôn ngữ. Với vô vàn phiên bản đời thực từ MC đám cưới, nhân viên tác nghiệp, cha mẹ, học sinh… tài khoản Tiktok của Hồng Phú nhận được 33 triệu lượt thích trong hơn một tháng sáng tạo video.

Bạn Bùi Ngọc Ánh (THPT Chuyên Thái Bình, tỉnh Thái Bình) đưa ra lý do khiến chủ đề này nhanh chóng bùng nổ trên TikTok: “Học sinh Gen Z yêu thích sự lộn xộn, bất ngờ, phá cách nên việc thay thế câu ca nguyên gốc thành những câu cửa miệng như “Quả táo nhãn lồng”, “Có công mài sắt có ngày nên thân”, “Lá lành đùm lá lách”... giúp các bạn thể hiện sự trẻ trung, hài hước.”

Gen Z và trào lưu "rối loạn ngôn ngữ": Khi bệnh lý trở thành đề tài giải trí ảnh 2

Bạn Hoàng Thanh Ngân (THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM) chia sẻ: Một chút rối loạn ngôn ngữ giúp mọi người cảm thấy vui vẻ hơn sau một ngày dài.

Bạn Hoàng Thanh Ngân (THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM) chia sẻ: “Trào lưu rối loạn ngôn ngữ biến những hình ảnh, câu chuyện gần gũi thêm độc đáo, ai cũng có thể lấy lại "mood" sau một ngày dài chỉ qua những đoạn video ngắn.”

Bẻ ngang Tiếng Việt

Một lượng lớn người theo dõi những TikToker trên là học sinh tiểu học và cấp 2 chưa nắm vững về tiếng Việt nên dễ bị ảnh hưởng bởi lối nói trại, sai ngữ pháp. Đó cũng là lý do bạn Lê Đăng Khôi (TH-THCS-THPT Đinh Thiện Lý, TP.HCM) tâm sự: “Mình lại thấy không thoải mái khi xem các clip rối loạn ngôn ngữ.”

Gen Z và trào lưu "rối loạn ngôn ngữ": Khi bệnh lý trở thành đề tài giải trí ảnh 3

Bạn Lê Phạm Khánh Linh cho biết: "Thói quen rối loạn ngôn ngữ dễ khiến người xem quên luôn ca dao tục ngữ bản gốc".

“Khả năng các bạn teen tìm hiểu về các câu ca dao tục ngữ ấy trên google hay trong sách vở là rất thấp. Chúng mình có phải chỉ xem, cười xòa, rồi lại lướt đi? Nếu trào lưu chiếm lĩnh top trending trong thời gian dài thì có thể làm người xem quên luôn những câu ca dao tục ngữ gốc", bạn Lê Phạm Khánh Linh (THPT Chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM) chia sẻ.

Về việc cố tình thay đổi, cắt, lược, nối, ghép từ ngữ, bạn Vũ Minh Đức (ĐH Sư phạm TP.HCM) cho rằng: “Với mình, trào lưu này sẽ có phần nào ảnh hưởng tới việc dạy học ngôn ngữ. Một ví dụ cụ thể như khi đặt ra câu hỏi điền khuyết cho các bạn trẻ: “Cần cù bù...” có thể sẽ nhận được câu trả lời là "siêng năng" thay vì "thông minh" - dần hình thành phản xạ nhanh, dễ gây ra sự nhầm lẫn.”

Gen Z và trào lưu "rối loạn ngôn ngữ": Khi bệnh lý trở thành đề tài giải trí ảnh 4

Tổn thương không đáng ngờ từ một trào lưu. Nguồn ảnh: npr.org

Việc bệnh lý trở thành trào lưu chọc cười làm tăng áp lực với những bạn mắc tật nói nhịu, khó diễn đạt. Là người mắc chứng rối loạn ngôn ngữ, hay nói nhầm nội dung muốn truyền tải, bạn Phạm Thị Thương (ĐH Ngoại thương, Hà Nội) bộc bạch: “Các bạn mắc hội chứng rối loạn ngôn ngữ như mình có thể bị tổn thương, mặc cảm vì cảm giác cả cộng đồng xoáy vào khuyết điểm của mình. Với mình, mổ xẻ một “bệnh lý” rồi thay tên bằng “trào lưu” là một điều mình không hề mong muốn.”

Đu trend chứ không để trend đu mình

Góc nhìn từ những người bạn chịu tổn thương từ trào lưu nhắc nhở chúng mình học cách tiết chế, đứng ở vị trí người khác để cảm nhận, điều chỉnh ranh giới giữa một trò đùa vui và sự chế giễu. Và trước khi phá cách, tạo ra tiếng lóng để sử dụng trong giao tiếp và ghi dấu màu sắc cá nhân, hãy tìm hiểu về "phiên bản gốc" để đảm bảo sự sáng tạo mang đến những liên tưởng thú vị và sử dụng đúng ngữ cảnh.

Có một câu tục ngữ rất phù hợp trong hoàn cảnh này nếu bạn đang định đu trend “rối loạn ngôn ngữ” một phen, đấy là: “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”.

Gen Z và trào lưu "rối loạn ngôn ngữ": Khi bệnh lý trở thành đề tài giải trí ảnh 8
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm