Săn sale còn căng thẳng hơn cả đăng ký học phần
Thói quen mỗi ngày sau khi đi học về là mở điện thoại đã trở thành “chân ái” mới của các bạn trẻ. Cũng vì vậy, tần số của các phiên bán hàng trực tiếp đã trở nên thường xuyên và dày đặc hơn. Điều này càng khiến các fan săn sale luôn phải bật chế độ “chiến” mỗi khi gia nhập làm người xem livestream trên các kênh bán hàng.
Thường xuyên săn hàng trên TikTok Live, bạn Lê Trần Duy Tài (sinh viên trường Đại học Tài chính - Marketing, TP.HCM) chia sẻ: “Thật ra ban đầu mình không có nhu cầu mua món đồ đó. Nhưng mà mình vô tình thấy nhiều người cũng mua và trùng hợp là đang sale lớn ngay trên livestream, thế là mình cũng muốn mua luôn. Biết đâu sau này món hàng đó mình sẽ cần thì sao”.
Các KOLs, Influencers thường có những video "nhá hàng" thông báo lịch livestream mới của mình để "kích cầu" cho người mua đặt lịch săn sale. Ảnh: Internet |
Khi các chợ live ngày càng đông cũng là lúc số lượng deal hời và voucher càng bị giới hạn. Duy Tài cho biết, một số phiên livestream sẽ yêu cầu người mua phải comment mã số, tương tác đầy đủ với kênh bán hàng và cung cấp thông tin, địa chỉ giao hàng sớm nhất thì mới có đủ điều kiện săn sale.
“Có những mã giảm giá khủng chỉ được xuất hiện và sử dụng chỉ khi bạn làm đúng thể lệ, quy định yêu cầu của kênh bán hàng. Bởi vậy khi muốn săn sale, mình sẽ nhập trước thông tin họ tên, địa chỉ và số điện thoại của mình trước. Chỉ cần người bán nói bắt đầu là mình sẽ nhấn Enter để có mã liền”, cậu bạn bật mí.
Duy Tài cho rằng các bạn cần chuẩn bị trước nhiều "chiến thuật" để săn hàng hơn là chỉ vào mua một cách cảm tính. Ảnh: NVCC |
Với rất nhiều cách kích cầu “máu sale” của Gen Z, các KOLs, Influencers trước khi live còn sẽ đăng bài thông báo giờ bán hàng, hứa hẹn những deal hot độc quyền trước giờ G để nhắc nhở người mua cài báo thức. Duy Tài cho biết, ví dụ như 10 giờ tối mở livestream thì từ 9 giờ 45 thì cậu bạn đã mở điện thoại trước để tham gia kịp giờ săn deal.
Chọn lọc trước khi nhấn nút chọn mua
“Giật slot” được nhiều deal khủng nhưng Nguyễn Thị Dịu Thùy (sinh viên trường Đại học KHXH&NV, TP.HCM) tâm sự: “Những người bán hàng nắm được tâm lý thích mua đồ giảm giá của các bạn học sinh, sinh viên nên họ thường dùng cách “giảm giá giả” để làm các bạn tưởng rằng món đồ đó có giá hời. Nếu không tìm hiểu kỹ thì các bạn sẽ dễ bị “hớ” lắm”.
Ví dụ như một chiếc áo có giá bán là 200.000 đồng nhưng trên một số phiên livestream, nhãn hàng sẽ tự nâng giá lên thành 300.000 đồng rồi lại tự thông báo giảm xuống để khách hàng muốn mua.
Tránh mua hàng chỉ vì mong muốn nhất thời trong khi xem livestream để không bị "hớ giá". Ảnh minh họa từ Internet |
Để tìm được món hàng ưng với giá “ai cũng rất yêu” thì trước đó, teen cần phải chọn lọc trước về chất lượng lẫn giá cả. Bạn Trần Lê Ý Anh (lớp 11, trường THPT Tân Bình) chia sẻ: “Để không vướng phải nguy cơ bị “lỗ vốn” khi săn sale thì mình thường hay “thâm nhập” vào các group kín chuyên săn sale để biết được giá đúng của sản phẩm. Ngoài ra mình còn phải tự so sánh giá giữa nhiều cửa hàng với nhau. Có một số phiên livestream diễn ra cùng lúc nhưng giá sản phẩm sẽ khác nhau nên các bạn còn phải tự biết cân nhắc sao cho hợp lý nữa”.
Teen có thể tham gia những group kín về săn sale. Ảnh: Internet |
Ngoài ra, các “con dân” hội mua sắm online nên săn hàng livestream ở các kênh bán hàng uy tín, có tick xanh, đạt được nhiều lượt mua có feedback tích cực. Như Duy Tài có mách nhỏ, các bạn có thể follow những KOLs, Influencers nổi tiếng có liên kết với nhãn hàng lớn để mua sản phẩm xịn xò với giá hời hơn.