Thần tiên, phù thủy nhiều như lá rụng mùa Thu
Không hề quá lời nếu nói rằng xem phim Hàn trong hai năm gần đây, bạn sẽ liên tục gặp thần tiên, phù thủy hay người có khả năng siêu nhiên. Trào lưu này đã nhen nhóm từ trước đó, nhưng chính thức bùng nổ với thành công của phim Goblin kể về chàng yêu tinh sống nghìn năm tuổi để chờ đợi cô dâu của mình.
Năm 2017, đã có rất nhiều phim kỳ ảo lên sóng như Hwayugi (Hoa du ký) cải biên từ tiểu thuyết Tây Du Ký, đưa bốn thầy trò Đường Tăng về thời hiện đại. Tomorrow With You (Ngày mai bên em) là chuyện một chàng trai mỗi khi bắt tàu điện ngầm từ Namyeong tới Seoul lại thấy mình xuyên không, đi thẳng tới tương lai hay quay ngược về quá khứ. Bride Of Habaek (Cô dâu thủy thần) là chuyện một cô nàng bác sĩ buộc phải trở thành vợ của thần nước. While You Were Sleeping (Khi nàng say giấc) có nhân vật chính là một cô gái hễ ngủ mơ sẽ thấy toàn điều đáng sợ và sau đó, chúng sẽ trở thành sự thật. Black Knight (Hiệp sĩ bóng đêm) cũng khai thác chủ đề tình yêu từ kiếp trước, một chàng hiệp sĩ đã đi xuyên qua nhiều kiếp để bảo vệ cô gái của mình.
Đến năm 2018, đề tài kỳ ảo siêu nhiên vẫn chưa dừng lại mà ngày càng mở rộng hơn nữa. Đó là The Beauty Inside (Vẻ đẹp tiềm ẩn) với chuyện một nữ diễn viên cứ thỉnh thoảng lại thấy mình sống trong hình hài của người khác, mỗi lần lại biến hình thành một người khác nhau. Mama Fairy and the Woodcutter (Kê Long tiên nữ truyện) khai thác truyền thuyết về một nàng tiên đã sống suốt 600 năm, chờ đợi kiếp sau của chồng mình nhằm đòi lại xiêm y mà bay về trời. That Man Oh Soo (Thần tình yêu Oh Soo) có vai nam chính một chàng trai biết chế ra loại phấn hoa đặc biệt, giúp các đôi tình nhân đến được với nhau. Children of a Lesser God (Những Đứa Con Của Tiểu Thần) rồi About Time (Đã đến lúc) đều xoay quanh một cô gái có thể nhìn thấy thời gian sống còn lại của một ai đó.
Chỉ kỳ ảo thôi thì chưa đủ
Quả thực là trong thời kỳ khan hiếm kịch bản hay như hiện nay thì những câu chuyện thần tiên bay bổng sẽ giúp biên kịch thỏa sức sáng tạo nhào nặn, có thể vẽ ra những tình huống phi lý oái oăm nhất mà chẳng ngại bị khán giả bảo là thiếu thực tế. Các nhân vật cũng có thể hành xử, ăn mặc vô cùng kỳ lạ để gây cười, với lý do họ xuyên không từ quá khứ đến đây.
Nhưng ngoại trừ Goblin và Hwayugi đều là tác phẩm của những biên kịch đình đám, yếu tố siêu nhiên được lồng ghép phù hợp với nội dung, giúp câu chuyện trở nên hấp dẫn thì rất nhiều bộ phim khác như cố gắng ghép chuyện kỳ ảo vào cho hợp xu thế. Rất nhiều kịch bản mượn yếu tố siêu nhiên nhưng lại không khai thác hợp lý, khiến câu chuyện trở nên rời rạc, tình tiết dư thừa, nhân vật chẳng biết sử dụng năng lực của mình làm gì.
Thậm chí nhiều phim như Cô dâu thủy thần, Huyền thoại biển xanh còn xây dựng nhân vật chính như một kẻ ngốc, khi hành động ăn nói chẳng giống ai. Vẫn biết rằng họ là thần tiên lạc đến nên khác người, nhưng cũng không cần thiết lạm dụng tình tiết này quá đà để gây cười, khiến khán giả không thể “cảm” được nhân vật.
Mới đây, các chuyên gia làm phim Hàn Quốc đã bỏ phiếu bình chọn ra 10 tác phẩm truyền hình xuất sắc nhất của năm 2018. Và chỉ có đúng một phim kỳ ảo là The Beauty Inside là lọt vào bảng xếp hạng này, cũng là nhờ phim điện ảnh gốc của nó đã có kịch bản quá xuất sắc.
Có lẽ khán giả nào cũng thích bay bổng lãng mạn, nhưng đâu ai có thể lơ lửng trên trời hay ở mãi trong những giấc mơ. Người xem sẽ dễ kết nối với những bộ phim gần gũi, nơi nhân vật phải cố gắng hết sức mình để vượt qua khó khăn, chứ không thể chờ đợi vào sự giúp đỡ của một vị thần hay khả năng siêu nhiên nào đó.