Trong mấy ngày gần đây, Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh thành lân cận ở miền Bắc có sương mù dày đặc, chủ yếu vào buổi sáng sớm. Sương mù như vậy gây cản trở tầm nhìn, mà tình trạng này xảy ra vào những ngày cận Tết nên ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động bay tại sân bay quốc tế Nội Bài.
Trên mạng xã hội, nhiều người cho rằng sương mù dày đặc ở Hà Nội như vậy là do ô nhiễm, vì đúng là vào sáng 2/2, Hà Nội đứng đầu trong danh sách những thành phố ô nhiễm trên thế giới. Tuy nhiên, thông tin ô nhiễm gây ra sương mù là không chính xác.
Ngày 5/2, Hà Nội không thuộc Top 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Ảnh: IQAir. |
Tình trạng sương mù dày đặc tại thủ đô Hà Nội đã được nhắc đến trên một số trang tin như AFP, Barron’s… Theo đó, lý do chủ yếu là độ ẩm rất cao ở miền Bắc trong những ngày gần đây: Độ ẩm sáng sớm và đêm thường xuyên trên 90%, có thể lên tới 96 - 97%. Một điều nữa là buổi sáng sớm ở miền Bắc lại thường có gió rất nhẹ, không đáng kể, càng tạo điều kiện cho sương mù dày đặc. Chính sương mù khó tan và tốc độ gió yếu, cộng thêm lượng xe cộ tham gia giao thông đông đúc mới làm tăng tình trạng ô nhiễm, chứ trong trường hợp hiện tại ở miền Bắc thì không phải ô nhiễm gây ra sương mù.
Độ ẩm ở Hà Nội và một số tỉnh thành miền Bắc vào 7h sáng 5/2, có thể thấy là độ ẩm rất cao. Ảnh: Zoom Earth, OpenStreetMap. |
Thực tế, hiện tượng sương mù vẫn thường xảy ra vào mùa Đông, nhưng có thể có những đợt sương dày đặc hơn. Tình trạng sương mù dày đặc cũng xảy ra ở nhiều nước khác trong những ngày gần đây như ở Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ…
Sương mù dày đặc ở Thượng Hải (Trung Quốc) ảnh hưởng đến giao thông. Ảnh: CNA. |
Ngày mai và ngày kia (6 - 7/2, tức 27 và 28 Tết), dự báo độ ẩm vẫn rất cao nên hiện tượng sương mù vào sáng sớm vẫn tiếp diễn. Thứ Năm (29 Tết), khi không khí lạnh về, trời chuyển gió mùa Đông Bắc (ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành miền Bắc), độ ẩm mới giảm và tình trạng sương mù sẽ chấm dứt.