Bài thi nhân đôi - lo lắng nhân mười
Ở kỳ thi vào các trường THPT năm nay, teen sẽ cần thi thêm một bài thi Ngoại Ngữ theo hình thức trắc nghiệm kết hợp tự luận trong vòng 60 phút. Thí sinh tự chọn một trong các thứ tiếng: Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Đức, Tiếng Nhật (thí sinh được đăng ký thứ tiếng Ngoại ngữ khác với thứ tiếng Ngoại ngữ đang học tại trường THCS). Trong khi đó, với các năm trước, bài thi này sẽ chỉ dành cho những thí sinh có nguyện vọng thi chuyên.

Nhưng có lẽ, môn Ngoại Ngữ không phải là môn học khiến các sĩ tử lo lắng nhất, mà là bài thi thứ 4. Bài thi này diễn ra trong 60 phút theo hình thức trắc nghiệm khách quan, môn thi sẽ được bốc thăm ngẫu nhiên trong các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Giáo dục công dân, Địa lý. Sở GD&ĐT dự kiến sẽ công bố môn thi này vào tháng 3/2019, hiện tại đã có đề thi minh họa của các môn trên giúp học sinh cũng như giáo viên nắm được mẫu đề thi, có kế hoạch ôn tập trong thời gian tới.
Chia sẻ với Hoa Học Trò Online, bạn Trần Hà Trang (THCS Kim Liên, Hà Nội) tâm sự: “Việc tăng môn thi khiến tớ và các bạn không thể học vẹt, học tủ được, nhưng đồng nghĩa với lượng kiến thức cần ôn tập nhiều hơn và áp lực nặng hơn. Nếu chẳng may môn thi thứ 4 không ôn kĩ thì coi như hỏng luôn!”.
Cách tính điểm “lạ mà quen”
Nguyên tắc tuyển sinh năm 2019 – 2020 cho các trường không chuyên được tính theo: Điểm xét tuyển = (Điểm thi môn Toán + Điểm thi môn Ngữ văn) x 2 + (Điểm thi môn Ngoại ngữ + Điểm thi môn thứ 4) + Điểm cộng thêm. Trong đó, bài thi của các môn tính theo thang điểm 10, không có bài thi nào bị điểm 0. Điểm cộng thêm được tính theo quy định của năm học trước (2017-2018). Khác với các năm trước, điểm học bạ (điểm THCS) và điểm cộng thêm kỳ thi nghề phổ thông đã bị loại bỏ.

Bạn Trần Nguyễn Minh Hằng (Hệ THCS trường Hà Nội - Amsterdam) lo lắng: “Việc đẩy sớm lịch thi khiến tốc độ ôn thi của mình dồn dập hơn, vừa phải đảm bảo kiến thức toàn diện, vừa cần dành thời gian luyện tập và làm thử các đề thi minh họa để phân bố thời gian hợp lý khi làm bài. Hơn nữa, các trường THPT chuyên thuộc hệ Đại học cũng sẽ đẩy nhanh lịch thi, gây áp lực về thời gian ôn luyện”.
“Bí kíp hoá rồng” cho “khỉ vàng” năm nay

- Sức khỏe là vàng: Các teen cần có chế độ sinh hoạt, ăn uống điều độ để có một sức khỏe tốt nhất khi ôn luyện và bước vào kì thi. Đặc biệt là trong quá trình ‘nước rút’, tránh ngủ không đủ giấc hay ăn không đủ bữa sẽ gây ảnh hướng lớn đến sức khỏe. Cơ thể không tốt thì làm bài khó mà “mượt mà” được, teen nhỉ?
- Thời gian biểu hợp lí: Cố gắng phân chia thời gian đều cho các môn, nên tập trung vào 2 môn là Toán và Ngữ văn vì đây là hai môn thi có hệ số 2. Đặc biệt không học lệch, học tủ bạn nhé!
- Ôn lại kiến thức thường xuyên: Rất nhiều "tiền bối" năm trước đã “tiếc hùi hụi” vì quên mất kiến thức “dễ như ăn kẹo” trong phòng thi đấy.
- Tinh thần thoải mái: Với con số học sinh dự kiến tốt nghiệp THCS lên đến 101.460 học sinh, có lẽ là áp lực không hề nhỏ với mỗi thí sinh. Nhưng hãy giữ một tinh thần thoải mái, quyết chiến quyết thắng để giành được kết quả tốt nhất! Bản lĩnh, ý chí trong giai đoạn “dầu sôi lửa bỏng” quyết định không nhỏ đến thành công trong kì “vượt vũ môn” này, vì vậy teen chúng mình thay vì quá căng thẳng, dành chút thời gian để thư giãn cũng là cách để đầu óc thoải mái hơn, dễ tiếp thu hơn.