Chuyển thể từ bộ tiểu thuyết nổi tiếng của Nhật Bản: "Papa to Musume no Nanokakan", xoay quanh câu chuyện éo le khi 2 cha con bất đồng quan điểm bỗng dưng vì một tai nạn bất ngờ mà hoán đổi thân xác cho nhau, "Hồn Papa, Da Con Gái" được kì vọng sẽ làm nên kì tích cho một năm khá bình yên của điện ảnh nước nhà. Phim được thực hiện bởi đạo diễn người Nhật, Ken Ochiai, sản suất bởi cái tên đã làm nên những kỉ lục phòng vé, Charlie Nguyễn, với sự góp mặt của 2 gương mặt đình đám, Thái Hòa - Kaity Nguyễn.
Phim về hoán đổi thân xác tại Việt Nam: Một bản nhạc trầm buồn
Thực chất, đối với thị trường phim Việt, hoán đổi thân xác không phải đề tài quá mới, thậm chí cuối tháng 8 vừa qua còn có 1 bộ phim khai thác đề tài này đã ra mắt khán giả. Trước đó cũng từng có không ít những nhà làm phim đã mạo hiểu thử sức với thể loại khó nhằn này. Đáng buồn là phim về hoán đổi thân xác của Việt Nam mãi vẫn chỉ nặng về “số lượng” chứ không thực sự có “chất lượng”. Hầu hết những bộ phim đã trình làng đều bị xếp vào hàng hài nhảm. Chỉ có "Hồn Trương Ba, Da Hàng Thịt" (2006) của Nguyễn Quang Dũng là được đánh giá khá cao nhưng đáng buồn là bộ phim này lại không mấy thành công về mặt doanh thu và không thực sự tiếp cận được khán giả của mình.
Cái khó của việc làm phim về hoán đổi thân xác là phải khiến cho khán giả tin vào câu chuyện mà bộ phim muốn truyền tải, diễn viên cũng phải một lúc đảm nhận được 2 dạng tính cách hoàn toàn đối lập. Trong khi đó, phim về đề đề tài này ở Việt Nam đa phần chỉ nặng về tính chất giải trí, lấy việc hoán đổi để làm trò mua vui cho khán giả, tình huống, cốt truyện và ngay cả diễn xuất cũng không đủ sức thuyết phục. Tổng thể khiến cho người xem hoàn toàn mất niềm tin mỗi khi một ekip nào đó có ý định cho một dự án khai thác đề tài này. Thế nhưng, với "Hồn Papa, Da Con Gái" lại khác, khán giả hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, điện ảnh Việt cũng có làm một bộ phim tử tế về đề tài hoán đổi thân xác.
Kịch bản Việt hóa độc lập, gãy gọn, sáng tạo và hợp lý
Lỗ hổng lớn nhất trong những bộ phim về đề tài hoán đổi thân xác của Việt Nam có lẽ chính là phần kịch bản. Đa phần những bộ phim về đề tài này thường nặng về yếu tố giải trí mà yếu đi phần thông điệp hoặc thiếu tính logic và ngập tràn những chi tiết nhảm nhí. Đáng mừng là "Hồn Papa, Da Con Gái" không đi vào vết xe đổ này. Vốn dĩ phần tiểu thuyết gốc đã có quá nhiều điểm cộng bởi xoay quanh một câu chuyện thú vị về tình cảm gia đình. Vào tay của ekip Việt, câu chuyện còn có phần thú vị hơn khi được gọt rũa rất khéo léo và đan xen những chi tiết rất thuần Việt, sáng tạo.
"Hồn Papa, Da Con Gái" ăn đứt cả 2 phiên bản phim của Hàn và Nhật khi táo bạo thay đổi đến 80% chi tiết so với tiểu thuyết. Tính cách nhân vật trong phim hoàn toàn thay đổi so với nguyên gốc, người cha từ kẻ sống trong khuôn mẫu trở thành một nhân viên văn phòng đầy nhiệt huyết và ưa sáng tạo. Cô con gái từ một học sinh cá biệt, luôn bị điểm kém trở thành một “bà cụ non”, trưởng thành, tài năng và cực kì nổi bật. Thậm chí ekip Việt còn “chơi lớn” khi bỏ luôn cả tuyến nhân vật người mẹ còn sống trong tiểu thuyết, thay vào đó là chi tiết người mẹ đã mất cùng những đau đớn mà 2 cha con phải cùng nhau chịu đựng. Chính chi tiết này cùng một chút màu sắc tâm linh rất Việt Nam đã khiến cho việc hoán đổi của 2 cha con trở nên hợp tình, hợp lý hơn. Hóa ra, căn nguyên của việc hoán đổi đó chính là vì linh hồn người mẹ muốn 2 cha con ông Hải thay đổi cách suy nghĩ, nhận ra giá trị của tình thân, từ đó, thông điệp về gia đình trong phim cũng trở nên càng rõ nét.
Biên kịch Việt cũng rất tinh tế trong việc dẫn dắt câu chuyện, không ôm đồm quá nhiều chi tiết, khiến một cuốn tiểu thuyết từng được Nhật Bản chuyển thể thành phim truyền hình gói gọn một tác phẩm điện ảnh dài chưa tới 2 tiếng. Đặc biệt, "Hồn Papa, Da Con Gái" cũng khác những bộ phim hoán đổi linh hồn trước đó và khác luôn tiểu thuyết ở chỗ, thay vì mải miết tìm cách trở về với chính mình, 2 nhân vật lại tập sống cuộc đời của đối phương và nhận ra cách để cùng nhau giải quyết những khúc mắc. Họ để mọi chuyện xảy ra một cách tự nhiên nhất khiến chuyện phim vẫn rất đầy đặn mà không hề khiên cưỡng và khán giả thì hoàn toàn tin tưởng vào câu chuyện về sự hoán đổi.
Không chỉ đơn thuần là hoán đổi thân xác
Như đã nói ở trên, trong phim, 2 nhân vật là ông Hải và Châu thay vì tìm cách trở lại với chính bản thân mình thì họ lại tập cách sống cuộc đời của đối phương, tập phản kháng và chấp nhận để rồi nhận ra những sai lầm của chính mình trong quá khứ. "Hồn Papa, Da Con Gái" vẫn có những chi tiết hài hước của một bộ phim về đề tài hoán đổi linh hồn quen thuộc nhưng điều mà nhà làm phim muốn nhấn mạnh lại không đơn thuần là những rắc rối khi phải sống trong thân xác của người khác. Vấn đề mấu chốt của phim là hành trình mà những con người tưởng chừng đã quá hiểu đối phương sẽ đứng ở góc độ của nhau mà hiểu, cảm thông cho nhau rồi nhìn nhận, sắp xếp lại chính cuộc đời của mình. Sẽ có những khoảnh khắc khán giả như quên luôn chuyện 2 cha con đang hoán đổi thân xác, đó là khi họ thực sự học được cách yêu thương, thực sự hiểu đối phương đã phải khổ sở, vất vả đến nhường nào và thực sự biết cách để hi sinh. Khoảnh khắc mà ông Hải trong thân xác của Châu nói chuyện với cô hàng xóm sau khi gây ra đại họa ở trưởng, khoảnh khắc mà chính ông nói ra câu “Con không thể lớn được nếu mà ba con không bao giờ chịu trưởng thành” cũng là lúc khán giả không còn nhận ra, là linh hồn của Châu hay ông Hải đang ngự trị trong thân xác cô bé cấp ba kia. Bởi đó là tiếng lòng của cả 2 cha con sau một hành trình họ sống cuộc đời của đối phương.
Vốn dĩ, ngay từ khi mẹ mất, ông Hải và Châu đã “hoán đổi” vị trí cho nhau. Ông Hải trở nên vô tư, vui vẻ đến mức quên cả cách làm cha còn Châu bỗng dưng khao khát được làm bản sao của mẹ, chững chạc trước tuổi và vô tình coi cha là người chưa trưởng thành. Họ đã không còn là ông Hải và Châu của ngày gia đình đủ 3 mảnh ghép. Và cuộc hoán đổi linh hồn do người mẹ sắp đặt chính là cái cớ để họ tìm lại bản sắc của chính mình, một cái cớ rất hợp lý hợp tình khiến cho tổng thể bộ phim duyên dáng và tình đến lạ.
Diễn xuất tự nhiên
Với mỗi bộ ở bất kì thể loại nào thì diễn xuất vẫn là một trong những yếu tố tiên quyết sự thành công. Và ở phim khai thác đề tài hoán đổi thân xác thì yếu tố diễn xuất càng được xem trọng bởi nó đòi hỏi diễn viên có thể một lúc sống với tính cách của 2 nhân vật khác nhau, phải thuyết phục được khán giả tin tưởng vào sự hoán đổi. Trong khi những “tiền bối” đi trước đều khiến khán giả có phần thất vọng vì diễn xuất không thực sự thuyêt phục thì đáng mừng là 2 diễn viên chính của "Hồn Papa, Da Con Gái" đều đủ đô để khán giả cảm thấy đã.
Thái Hòa vốn đã quá quen với việc đảm nhận những vai diễn mang “tâm hồn con gái” nên vai diễn lần này không thể làm khó được nam diễn viên. “Chị Hội” vẫn duyên dáng như ngày nào và khiến khán giả hực sự ngạc nhiên bởi làm quá tốt trong những phân đoạn cảm xúc. Kaity một lần nữa chinh phục người xem bởi sự diễn xuất rất bản năng nhưng đầy tinh tế của mình. Một cô bé Châu khi mạnh mẽ, chững chạc, sâu lắng, lúc lại vui vẻ, hồn nhiên, tất cả đủ để chứng minh rằng, Kaity thực sự tài năng và "Em Chưa 18" năm nào chỉ là sự khởi đầu.
Tạm kết
Phim về đề tài hoán đổi thân xác ở Việt Nam thực sự không hề mới nhưng có vẻ như tất cả chỉ là mộ sự khởi đầu ảm đạm để đợi đến này cú nổ lớn mang tên "Hồn Papa, Da Con Gái" ra đời. Dĩ nhiên, phim vẫn có những khuyết điểm đáng tiếc nhưng hơn hết "Hồn Papa, Da Con Gái" thật sự là một bộ phim đáng yêu, dễ xem, dễ cảm nhận, là một pha hạ màn đầy ấn tượng, khép lại một năm đầy những thăng trầm của điện ảnh Việt.