Dành cho những bạn thuộc tuýp “vịt nghe sấm”
Phim cung đấu bắt nguồn từ đâu, sao không xếp vào phim cổ trang?
Bộ phim cung đấu đầu tiên được công nhận là Thâm Cung Nội Chiến của đài TVB năm 2004. Lần đầu tiên trong lịch sử, vấn đề tranh sủng, hãm hại lẫn nhau giữa các phi tần trong chốn hậu cung trở thành tâm điểm chính trong một bộ phim. Trước sự hưởng ứng nồng nhiệt của khán giả, cung đấu dần trở thành một chủ đề “nóng” trong dòng phim cổ trang. Những bộ phim đình đám phải kể đến là: Cung tâm kế, Mỹ nhân tâm kế, Hậu cung Chân Hoàn truyện, Võ Mị Nương truyền kỳ, Diên Hy Công Lược, Hậu cung Như Ý truyện…
![]() |
Phim cung đấu có phải là “đặc sản” của thời kỳ nhà Thanh?
Xem phim cung đấu, bạn toàn thấy nói đến hậu cung Ung Chính, Càn Long nên nghĩ rằng cung đấu là “đặc sản” của nhà Thanh. Thực ra, bất kì hậu cung nào cũng có chuyện đấu đá, điển hình là Cung tâm kế và Võ Mị Nương truyền kỳ là về thời nhà Đường. Tuy nhiên, nhà Thanh là triều đại phong kiến cuối cùng của Trung Quốc nên vẫn còn khá nhiều tài liệu lịch sử lưu lại. Phim trường Hoành Điếm còn có cả một cung điện lớn mô phỏng Tử Cấm Thành và các đoàn làm phim có thể đến quay miễn phí.
![]() |
Những đáp ứng, quý nhân, tần… là gì?
Đó chính là các cấp bậc phong hiệu của các phi tần của nhà Thanh. Đầy đủ gồm có Đáp ứng - Thường tại - Quý nhân - Tần - Phi - Quý phi - Hoàng quý phi và người cao nhất là Hoàng Hậu.
Tên gọi và cách xưng hô trong phim thật kì lạ?
Nhà Thanh có nguồn gốc từ tộc người Mãn nên văn hóa khác với người Hán bản địa. Cha được gọi là “a mã”, mẹ được gọi là “ngạch nương”, vợ là “phúc tấn” (ở gia đình quý tộc). Con trai của vua là “a ca” còn con gái là công chúa (một số bộ phim gọi con gái vua là “cách cách”, dù điều này không đúng với lịch sử).
![]() |
Hướng dẫn “du lịch” Tử Cấm Thành
Những nhân vật trọng yếu:
Hoàng thượng: Nhân vật “soái ca” duy nhất trong hoàng cung, được “săn đón” nhất hậu cung nhưng lại hầu như không bao giờ can thiệp vào các đấu đá ở đây. Và ngược lại, vua cũng có những quy tắc cho các bà vợ của mình - “Hậu cung bất can chính” (Phi tần không được ý kiến chuyện trị nước).
Thái hậu: Đa số thời gian đều lên chùa lễ Phật. Tuy nhiên, thái hậu là người có tiếng nói quan trọng trong việc sắc phong Hoàng hậu.
![]() |
Thái giám đại tổng quản: Người thân cận nhất với Hoàng thượng. Do biết rõ lịch làm việc và sinh hoạt của vua nên các phi tần luôn muốn lấy lòng người này.
Thái y: Thầy thuốc chữa bệnh cho hoàng thất, dù không liên quan trực tiếp nhưng luôn bị kéo vào chuyện hãm hại phi tần, mưu sát hoàng tự vì hạ độc là “hot trend” tại hậu cung.
Những địa điểm quan trọng cần “check-in”:
Dưỡng Tâm điện: Nơi sống của nhà vua, nếu phi tần được triệu đến đây thì cuộc đời nở hoa (được yêu thương) hoặc cuộc sống bế tắc (trách phạt vì một tội nào đó).
Thọ Khang cung: Nơi ở của Thái hậu.
Ngự Thiện phòng: Lo chuyện ăn uống cho cả hoàng cung.
![]() |
Nội vụ phủ: Nơi “phát lương” hằng tháng. Dù các phi tần không đi làm nhưng vẫn được hưởng bổng lộc theo cấp bậc để chi tiêu. Tùy theo cấp bậc mà lương bổng cũng khác nhau. Bên cạnh đó còn chuẩn bị đồ dùng cho các cung như than, lò sưởi, trang sức, sữa tươi, dụng cụ thiết yếu…
Ngự Hoa viên: Nơi các phi tần tập trung để hóng gió, thưởng hoa và… “đá xéo” nhau.
Một số cung có vị trí “đắc địa” mà thường chỉ Hoàng hậu hoặc sủng phi được ở: Vĩnh Thọ cung, Dực Khôn cung, Trường Xuân cung, Cảnh Nhân cung, Diên Hy cung.
Những địa điểm “đen” mà chẳng ai muốn đến:
Thận hình ty: Nơi xử phạt và tra tấn các cung nữ, thái giám và thậm chí là phi tần có tội.
Lãnh cung: Nơi ở của các phi tần thất sủng, thường bị đồn là có... “UFO”.
Xếp hạng độ “nguy hiểm” của các phi tần
Cấp độ 1: “Hậu cung ta thứ 2, không ai thứ 1”.
Gương mặt tiêu biểu: Hạ Đông Xuân (Chân Hoàn truyện), Thư Quý Nhân (Diên Hy Công Lược), Cao Hi Nguyệt (Như Ý truyện)…
Nhận dạng: Cậy gia đình quyền thế hoặc cậy sủng ái mà kiêu ngạo, hống hách. Thường “lên đường” chỉ sau vài tập hoặc bị các phi tần cấp bậc cao hơn lợi dụng.
![]() |
Cấp độ 2: “Ác nữ lắm lời”.
Gương mặt tiêu biểu: Hoa Phi (Chân Hoàn truyện), Cao Quý phi (Diên Hy Công Lược), Kim Ngọc Nghiên (Như Ý truyện).
Nhận dạng: Cũng có tâm cơ nhưng “ruột để ngoài da”, tính kế gì đều lộ rõ khiến người ta biết đường phòng bị trước.
Cấp độ 3: “Bạch liên hoa”.
Gương mặt tiêu biểu: An Lăng Dung (Chân Hoàn truyện), Kế hoàng hậu Ô Lạt Na Lạp Thị (Diên Hy Công Lược), Phú Sát Lang Hoa (Như Ý truyện)…
Nhận dạng: Bề ngoài hiền thục, chuyên làm điều tốt nhưng tâm cơ thâm trầm. Dù làm việc xấu nhưng luôn giỏi “cosplay” nạn nhân.
![]() |
Cấp độ 4: “Quân tử trả thù 10 năm chưa muộn”.
Gương mặt tiêu biểu: Nghi Tu Hoàng hậu (Chân Hoàn truyện), Thuần Phi (Diên Hy Công Lược), Hải Lan (Như Ý truyện)…
Nhận dạng: Thâm trầm, giỏi ẩn mình. Tỏ vẻ như “đứng ngoài” mọi cuộc chiến nhưng thực chất là người “giật dây”.
Cấp độ đặc biệt: Nữ chính.
Nhận dạng: Đã là nữ chính thì chí ít cũng sống đến gần cuối phim, bất kể tính cách ra sao!
![]() |