Có một điều khá bất ngờ, người truyền cảm hứng cho cô bé lớp 5 để em viết thư mong muốn không thả bóng bay trong ngày khai giảng chính là người thầy giáo dạy chụp ảnh cho em: nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng (Lekima Hùng) - người từng có chuyến đi xuyên Việt chụp ảnh rác gây ấn tượng, cũng như có nhiều hoạt động sống xanh, bảo vệ môi trường thiết thực…
Viết thư xin phép thầy Lekima Hùng
Sáng nay, 26/7, chia sẻ với phóng viên, nhiếp ảnh gia Lekima Hùng cho biết: “Tôi vô cùng xúc động và thấy tuyệt vời khi được biết cô học học trò nhỏ, Nguyệt Linh (lớp 5, trường Marie Curie, Hà Nội) với ý tưởng viết thư rồi tự tìm email và gửi thư cho hơn 40 thầy cô hiệu trưởng ở trường học ở Hà Nội với mong muốn không thả bóng bay ngày khai giảng - không thả rác lên trời. Chỉ có hành động mới làm nên thay đổi”.
Cũng theo nhiếp ảnh gia Lekima Hùng, trước khi viết thư cho các thầy cô hiệu trưởng, Nguyệt Linh có viết thư xin phép anh, được chia sẻ thông điệp mà anh từng nói trong chương trình Cất cánh của Đài truyền hình Việt Nam VTV1 lên sóng tối ngày 21/7: “Thả bóng bay lên trời: bay cao ước mơ của các học sinh - giết ước mơ của bao chú chim và rùa biển”.
Sau đó, Nguyệt Linh viết thư bày tỏ với nhiếp ảnh gia Lekima Hùng, cho phép em được chia sẻ lại thông điệp này, và nói với người thầy từng dạy chụp ảnh cho mình, em sẽ viết thư cho các thầy cô hiệu trưởng ở Hà Nội, em sẽ chọn viết thư điện tử (email) để có thể dễ dàng chia sẻ, cũng như nhận được hồi đáp của các thầy cô.
Nhiếp ảnh gia Lekima Hùng kể lại:“Tôi chia sẻ trong chương trình Cất cánh, trường học, chính là nơi giáo dục các học sinh - chủ nhân tương lại của Trái đất - về bảo vệ môi trường. Không có hành động giáo dục nào hiệu quả, ý nghĩa hơn là cần có hành động thiết thực như cấm dùng nhựa sử dụng 1 lần trong nhà trường. Thậm chí không thả bóng bay lên trời dịp khai giảng tới, không chỉ vì rất lãng phí, không chỉ nguy hiểm cháy nổ từ khí Hydro mà bong bóng hoặc mảnh vỡ bóng bay là những mảnh vỡ có khả năng gây tử vong cao nhất và đã giết chết gần 1/5 số chim biển ăn chúng. Đó là kết quả nghiên cứu của Đại học Tasmania, lớn hơn rất nhiều so với nhựa cứng. Thả bóng bay lên trời: bay cao ước mơ của các học sinh - giết ước mơ của bao chú chim và rùa biển”.
“Và thật xúc động, một cô bé lớp 5 Nguyệt Linh đã viết thư, xin phép tôi được lan tỏa thông điệp không thả bóng bay ngày khai giảng. Ngày hôm nay, thì tôi biết những lá thư em ấy gửi tới các thầy cô ở Hà Nội, nhiều trường học đã đồng ý, để nguyện vọng không thả bóng bay, để bảo vệ chim trên trời, cá dưới biển, chống lãng phí, nguy cơ tai nạn... thành hiện thực. Nguyệt Linh thật sự dũng cảm, tự tin, sáng tạo, em ấy đã cho mọi người thấy rằng, bất cứ ai, dù chỉ là một cô bé 10 - 11 tuổi đi chăng nữa, cũng có thể thay đổi thế giới, tạo những điều tốt đẹp cho cộng đồng. Tôi vô cùng hạnh phúc ”, nhiếp ảnh gia Lekima Hùng xúc động.
Nhiếp ảnh gia này cho hay thêm, từ năm ngoái, Nguyệt Linh là một trong những học trò của anh, cùng học các buổi học về chụp ảnh. Nguyệt Linh cũng luôn dõi theo các hành trình nhặt rác, chụp ảnh của anh. Năm 2018, chính em cũng làm một video kêu gọi mọi người giảm sử dụng đồ nhựa một lần, và có xin phép anh để đưa một số hình ảnh chụp rác của thầy vào video clip. "Từ một cô bé rất yêu thích bóng bay, từ ngày được truyền cảm hứng bởi những việc làm của những đại sứ bảo vệ môi trường, giảm rác thải nhựa, Nguyệt Linh đã không bao giờ chơi bóng bay nữa, mẹ cô bé đã khoe với tôi như vậy", anh Lekima Hùng chia sẻ.
Bạn là ai, bao nhiêu tuổi, bạn cũng có thể thay đổi thế giới
Phạm Thị Phương Thảo, sinh viên ngành dược, Trường ĐH Y dược TP.HCM, thành viên cộng đồng Save Our Seas Việt Nam cho biết câu chuyện của cô bé Nguyệt Linh kêu gọi không thả bóng bay ngày khai giảng thật sự là câu chuyện đẹp, khi mà người trẻ ngày càng có nhận thức cao hơn về việc bảo vệ môi trường sống của chúng ta. “Chúng tôi rất vui, khi các em nhỏ không chỉ nhận thức cao hơn về bảo vệ môi trường, mà chính các em cũng đang là những đại sứ, lan tỏa việc làm tốt đẹp ấy, để người lớn phải giật mình, và cùng hành động để làm cho thế giới tốt đẹp hơn”, Thảo nói.
Theo dõi câu chuyện của Nguyễn Nguyệt Linh, người viết thư cho các thầy cô hiệu trưởng mong muốn không thả bóng bay ngày khai giảng, chị Bùi Thị Thuỷ, sáng lập doanh nghiệp xã hội khởi nghiệp Green & Book Ambassadors nói với phóng viên: “Một cá nhân dù bình dị hay đặc biệt đều có thể đóng góp từ việc nhỏ đến lớn và dần dần những điều bình dị làm nên điều vĩ đại. Mỗi chúng ta là những sắc màu duy nhất trong cuộc sống. Và những hành động dù nhỏ, bình dị ấy có thể đem đến sự đóng góp, thay đổi lớn, niềm cảm hứng cho mỗi người xung quanh chúng ta”.
Với nhiếp ảnh gia Lekima Hùng, bất kể một ai, không phân biệt tuổi tác, ngành nghề, giới tính trong đời sống đều có thể làm nên những điều kỳ diệu, thay đổi nhận thức của cộng đồng về môi trường. Giống như Nguyệt Linh, một cô bé lớp 5, em sẽ giúp rất nhiều trường học trong năm học mới này không thả bóng bay ngày khai giảng. “Miễn là bản thân người đó có những nhận thức đúng đắn, hiểu về việc mình nên làm, bất cứ ai trong chúng ta cũng sẽ có những cách rất tự nhiên, gần gũi, để chạm tới trái tim của những người khác…”, anh Lekima Hùng bày tỏ.