“Kim Ji Young, Born 1982” và chuyện về cuộc đời của những người phụ nữ không chỉ ở Hàn Quốc

“Kim Ji Young, Born 1982” và chuyện về cuộc đời của những người phụ nữ không chỉ ở Hàn Quốc
HHT - Cuốn tiểu thuyết ăn khách “Kim Ji Young, Born 1982” của Hàn Quốc không chỉ khắc họa lại chân dung và cuộc sống của những người phụ nữ ở xứ sở kim chi, mà có thể là của rất nhiều những người phụ nữ châu Á khác.

Kim Ji Young, Born 1982 (Kim Ji Young, Sinh năm 1982) là cuốn tiểu thuyết được viết bởi tác giả Cho Nam Joo. Cuốn sách đã trở thành một hiện tượng ở Hàn Quốc khi tiêu thụ hơn 1 triệu bản kể từ ngày phát hành. Sắp tới đây, bộ phim điện ảnh cùng tên được chuyển thể từ cuốn sách sẽ được công chiếu với sự tham gia diễn xuất của những tên tuổi lớn của điện ảnh Hàn: “Yêu tinh” Gong Yoo và nữ diễn viên Jung Yumi.

Hình ảnh từ phim

Kim Ji Young, Born 1982 được đón nhận mạnh mẽ ở Hàn Quốc nhưng đồng thời cũng làm dấy lên một làn sóng công kích ở đây. Một bộ phận người dân Hàn, đặc biệt là nhóm đàn ông gia trưởng, cho rằng cuốn sách đã đưa ra những quan điểm lệch lạc và chủ quan, khiến hình ảnh đàn ông Hàn Quốc trở nên tiêu cực và xấu xí. Khi Irene (Red Velvet) cho thấy cô đang đọc cuốn sách này, nhiều fan là nam giới của cô đã bày tỏ sự giận dữ và có những hành động quá khích khi cắt, đốt ảnh của cô. Khi Suzy đăng poster phim lên tài khoản cá nhân cho thấy sự ủng hộ của mình đối với bộ phim, cô cũng phải đón nhận những bình luận ác ý. Có nhiều người nổi tiếng cũng cho biết họ đã đọc cuốn sách này như SooYoung (SNSD), Yoo Jae Suk, RM (BTS), Park Shin Hye

“Tôi luôn có cảm giác rằng Kim Ji Young đang thực sự sống ở đâu đó. Bởi cô ấy có quá nhiều điểm giống với những người bạn, những người chị và cả tôi”, tác giả Cho Nam Joo cho biết. Số phận và cuộc đời, những suy nghĩ và trăn trở của Kim Ji Young khiến nhiều độc giả nữ nhìn thấy trong đó hình dáng của mẹ, của chị, của những người phụ nữ xung quanh mình, và của cả chính mình.

“Kim Ji Young, Born 1982” và chuyện về cuộc đời của những người phụ nữ không chỉ ở Hàn Quốc ảnh 2

Thực chất câu chuyện của Kim Ji Young rất đỗi bình thường. Nó mở ra khi mùa Thu đến, năm ấy Kim Ji Young 34 tuổi. Cô hiện đang ở nhà làm nội trợ, chăm sóc cô con gái nhỏ, và rồi bỗng dưng có những lúc cô trở thành một người khác. Cô gọi chồng là con rể, cô nói chuyện bằng dáng vẻ và giọng điệu của mẹ mình. Cứ thế, cô lần lượt dùng các giọng nói khác nhau của những người phụ nữ khác nhau, kể cả họ còn sống hay đã chết. Cứ như thể Kim Ji Young đã mất đi tiếng nói của chính mình.

Mở đầu đầy bí ẩn, và gợi lên một bầu không khí ám ảnh kì quặc, nhưng Kim Ji Young, Born 1982 ngay sau đó tiếp tục câu chuyện bằng những tình tiết đời thường nhất. Câu chuyện ngược dòng thời gian kể về thời điểm Kim Ji Young được sinh ra, rồi đến trường, trở thành sinh viên, tốt nghiệp rồi tìm kiếm một công việc, yêu rồi chia tay, kết hôn và sinh con… Suốt cả hành trình đó, người đọc nhận ra Kim Ji Young đã gặp những chuyện ấm ức, bất công, bị phân biệt vì giới tính của mình.

“Kim Ji Young, Born 1982” và chuyện về cuộc đời của những người phụ nữ không chỉ ở Hàn Quốc ảnh 3

Đó có thể là từ người bà trong gia đình. “Thật khó để diễn tả chỉ trong một câu cái thông điệp mà bà muốn nhắn gửi thông qua ngữ điệu và ánh mắt, cái cách bà nhướn cổ so vai, cái cách bà hít thở, nhưng nếu nói một cách đại khái thì có thể hiểu rằng biểu hiện đó của bà có nghĩa là tại sao chúng mày ‘dám’ đụng vào đồ của cháu trai quý giá của tao.”

Hay như người sếp ở nơi làm việc. “Ông ta còn liên tục đưa ra lời nhận xét về ngoại hình của Kim Ji Young, ông ta khen dáng mặt và mũi của cô rất đẹp và thanh thoát, lại còn khuyên chỉ cần phẫu thuật mắt nữa là được. Ông ta hỏi Kim Ji Young đã có người yêu chưa, thậm chí còn đùa cợt cả những điều thuộc phạm trù nhạy cảm khiến con người ta không thể cười nổi, như khung thành phải có thủ môn thì bàn thắng mới vui, rồi thì chỉ có người phụ nữ chưa làm chuyện ấy bao giờ chứ không có người phụ nữ nào chỉ làm một lần. Nhưng khó chịu nhất là ông ta liên tục ép cô uống rượu.”

“Kim Ji Young, Born 1982” và chuyện về cuộc đời của những người phụ nữ không chỉ ở Hàn Quốc ảnh 4

“Ngột ngạt và thương cảm” là cảm xúc của tác giả Cho Nam Joo khi viết cuốn sách này. Và đó cũng là cảm xúc của những độc giả hiểu và thương những người phụ nữ như Kim Ji Young. Không chỉ có độc giả nữ, mà cả những độc giả nam có sự cảm thông đối với phụ nữ.

Bằng lớp vỏ nhẹ nhàng, không cao trào, Kim Ji Young, Born 1982 lại là mũi nhọn đâm thẳng vào xã hội gia trưởng của Hàn Quốc, vạch ra vấn đề kỳ thị giới tính - mà ở đây là nữ giới - đã ăn sâu vào nếp nghĩ của không ít thế hệ nam giới đất nước này.

“Kim Ji Young, Born 1982” và chuyện về cuộc đời của những người phụ nữ không chỉ ở Hàn Quốc ảnh 5

Kim Ji Young, Born 1982 đã được dịch ra 16 thứ tiếng, nằm trong danh sách bán chạy ở Nhật Bản, Đài Loan. Những buổi hội thảo về cuốn sách này khi được tổ chức ở Tokyo (Nhật Bản) liền có sự tham gia của những tờ báo lớn như NHK, Business Insider Japan, Asahi Shimbun, Yomiuri Shimbun… Vé dự tòa đàm tại nhà sách Kinokuniya bán hết trong 2 ngày. Nhưng điều thành công nhất của Kim Ji Young, Born 1982 là đã chạm đến trái tim cất giấu của những người phụ nữ, thay họ nói lên một tiếng nói. Và có lẽ nhờ vào đó sẽ góp phần xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, nơi mà tiếng nói của mỗi người phụ nữ sẽ không còn bị chính họ chôn vùi nữa.

(Những đoạn in nghiêng được trích từ tác phẩm Kim Ji Young, Born 1982, tác giả Cho Nam Joo, người dịch Dương Thanh Hoài)

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Reply Y2K: Trái tim lớn của "bác sĩ thú cưng" cấp xóm dành cho những con vật nhỏ

Reply Y2K: Trái tim lớn của "bác sĩ thú cưng" cấp xóm dành cho những con vật nhỏ

Đậu Ván vẫn ít nói, vẫn đeo kính và có lẽ vẫn mơ làm bác sĩ. Tớ nghĩ chẳng nghề nào hợp với cậu ấy hơn thế. Bởi những người có tính thương yêu thực sự, chẳng cần phô diễn ồn ào, luôn sẵn lòng cứu giúp những vật nhỏ nhất như Đậu Ván sẽ làm được rất nhiều điều tốt lành cho cuộc sống này.