Trường ca Đóa Hoa Vô Thường là một tác phẩm đồ sộ bậc nhất trong kho tàng âm nhạc mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để lại.
Bài hát ra đời từ năm 1972 và gần như bị quên lãng, cho tới giữa thập niên 90 mới bắt đầu được hát lại. Thậm chí nhiều khán giả yêu nhạc còn tưởng đây là một sáng tác mới.
Là tác phẩm khá phức tạp cả về quy mô âm nhạc và ca từ, Đóa Hoa Vô Thường là thách thức với cả người hát, người soạn hòa âm và cả người nghe. Mỗi một nghệ sĩ khi tiếp cận tác phẩm này đều cần một cách diễn giải của riêng mình, theo cách cảm, các hiểu của bản thân, và đi cùng với đó là phong cách âm nhạc phù hợp.
Sau khi giới thiệu bản thu âm chính thức lần đầu tiên của trường ca Tiếng Hát Dã Tràng (tức Dã Tràng Ca), ca sĩ Đức Tuấn đã bắt tay thực hiện tiếp bản ghi âm trường ca Đóa Hoa Vô Thường. Dự án là sự nối tiếp mạch âm nhạc và niềm yêu thích của anh với nhạc Trịnh Công Sơn bằng "hơi thở" âm nhạc rất riêng của mình.
Bản thu âm mới của Đóa Hoa Vô Thường đem lại cảm giác khoáng đạt hơn, không "gồng mình" để tạo ra sự thời đại bằng các hiệu ứng âm thanh lạ tai. Theo đó, Đức Tuấn tiết chế âm thanh vừa vặn kết hợp sự sáng tạo theo cách của mình để tạo cho người nghe cảm xúc vừa quen, vừa lạ. Nhờ đó, những hình ảnh giàu tính ẩn dụ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng hiện lên rõ ràng hơn nhất là với những người trẻ.
Với bản thu âm này, mỗi khán giả sẽ có cách tiếp cận khác nhau. Người cần nghiền ngẫm ca từ để hiểu thấu lẽ vô thường theo cách diễn tả của Trịnh Công Sơn vẫn có thể cảm được qua những đoạn hòa âm du dương với cách hát bán cổ điển sang trọng của Đức Tuấn. Riêng giới trẻ muốn cảm nhận về âm nhạc cũng sẽ thấy nhiều nét độc đáo trong giai điệu của bài hát.