Trong nhà chị Hà lúc này còn có những gia đình khác trong xóm đến “trốn” lũ. Nhà họ đã bị dòng thác lũ vây đặc. 12 người cùng nương nhau mà sống dưới dòng nước lũ đã dâng đến lầu một (tầng 2 theo cách gọi của người miền Bắc). Gia đình chị Hà hiện có hai người lớn tuổi và một trẻ nhỏ ốm bệnh. Hơn chục con người dựa vào nhau qua những ngày lũ, “lá rách ít đùm lá rách nhiều”.
Theo báo cáo tình hình lũ từ Ban dân vận tỉnh Quảng Bình, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp rìa Bắc dải hội tụ nhiệt đới và hoạt động của đới gió Đông trên cao trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có mưa to, mưa rất to, có nơi đặc biệt to. Sông Kiến Giang tại Lệ Thủy có khả năng đạt đỉnh 5,2m trên mức báo động 3 tới 2,5m, vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1979 là 1,29m. Sông Gianh tại Mai Hóa lên mức 9,2m cộng với mưa đột ngột, nước lũ tăng nhanh chóng mặt.
Dù đã nghe dự báo từ xã nhưng trước đó ai cũng đinh ninh lũ năm nay giống mấy năm trước. Vậy mà giờ đây, nước ngập hết đường phố, ruộng mùa, ngập chạm đến cả mái nhà. Tại các vùng ngập khác, người dân cũng có xu hướng tập trung lại tại các nhà cao tầng. Tuy nhiên, vì số lượng dân cư đông, lại không đủ nhu yếu phẩm, người dân phải đối mặt với cơn đói, cơn khát và cả cơn lạnh trước khi vượt qua được cơn lũ.
Chị Hà kể: "Nước lũ lớn cuốn phăng tất cả đồ đạc, của cải, và cả lương thực. 12 người chúng tôi nhưng giờ đây không còn một thứ gì có thể cầm trụ ngoài vài miếng lương khô và hai chai nước được đoàn từ thiện đi qua cứu đỡ. Ở vùng xung quanh, có người đã phải ngồi trên nóc nhà, chịu đựng mưa dập sóng dồn đầy bất lực. Có người bất lực buông xuôi... vùi mình theo dòng nước lũ khi không còn cách nào thoát thân."
Hỏi về tình hình cứu trợ cứu nạn trong khu vực, chị kể: “Có đoàn cứu trợ nhưng không có tín hiệu đèn báo gì nên không biết đâu mà lần.” Không một ai trong vùng “rốn lũ” này dám ngủ. Ngủ sợ bị cuốn trôi khi nào không hay…"
Về đêm, mưa ngày một nặng hạt, sóng lũ càng mạnh. Cứ khi đêm đến, người dân lại thấp thỏm lo sợ, co ro giữa dòng lũ dữ, cầu mong mình sẽ gắng gượng qua tới ngày hôm sau...