Chàng kỹ sư nông nghiệp Đinh Chí Trung, sinh năm 1988 tại Bình Phước, học thiết kế tại trường Arena Multimedia (TP.HCM). Gần đây có một bộ ảnh được nhiều người chú ý trên mạng xã hội, gọi là dự án 100 câu chuyện trẻ em Việt Nam.
Bộ ảnh được thực hiện vào tháng 7/2018 và đăng tải trên trang cá nhân tác giả Đinh Chí Trung vào ngày 23/7.

Trong lúc thực hiện bộ ảnh ở Nghệ An, anh đã gặp nhiều sự cố không mong muốn, như là vì nói giọng lạ nên bị hiểu lầm là hội viên của Hội Thánh Đức Chúa Trời.
Dự án 100 câu chuyện trẻ em Việt Nam kể về những câu chuyện của trẻ em trên khắp mọi miền đất nước (có thể kể đến một số nơi như Cần Giờ, Phú Quốc, Nghệ An,...), chất chứa vô vàn những suy tư của cuộc sống. Xuyên suốt dự án, bộ ảnh đầu tiên vào đầu năm 2018, đến nay anh đã thực hiện được chín bộ ảnh thể hiện 100 “sắc thái” của những đứa trẻ.
Khép “cửa sổ” ngại ngùng, mở hành trình bày tỏ
Việc đầu tiên muốn mình trở nên thú vị với những bộ ảnh “biết nói” chắc chắn sẽ phải tự tin mở tung cánh cửa sổ “ngại ngùng” ra và bày tỏ thẳng thắng điều mình mong muốn với “ngoại cảnh”.
Anh Đinh Chí Trung kể: “Xách ba lô lên và đi, mình đã chủ động thoát ra “lớp áo” ngại ngùng của bản thân và tự tin hơn rất nhiều trong việc tiếp xúc với nhân vật. Hành trình xa nhà lần này để lại cho mình nhiều kỉ niệm với Cần Giờ trong bộ ảnh số năm cùng cậu bé có mái tóc màu nắng.

Chàng ngư dân nhỏ tuổi (tên là Cường) này cùng với cha và các anh em theo ghe đi đánh cá, sống lênh đênh giữa biển. Ngay từ lần đầu tiên nhìn thấy cảnh tượng cậu bé nhỏ con phụ gia đình đánh cá, mình đã chắc làm một bộ hình dành cho cậu. Nhưng không phải cứ mở “cửa sổ” với thế giới là thế giới sẽ đón mình.
![]() |
Hành trình từ đất liền để đến với chiếc ghe nhỏ này khá khó khăn. Mượn chiếc xe của chú xe ôm đang làm việc để “ngao du” khắp vùng đảo nhỏ, mình đã phát hiện ra họ trong lúc họ lao động trên biển. Mình đã cố gắng đứng trên bờ và làm mọi cách ra hiệu để “bên kia” nhận ra và tưởng mình đang gặp vấn đề, vội cập bến. Tận dụng cơ hội này, mình xin lên thuyền theo họ và được gia đình đồng ý.
![]() |
Mình bị ấn tượng bởi nước da đen óng và mái tóc màu nắng của Cường, đây thật sự là một chàng trai của biển, nắng và gió. Hành trình lên ghe để chụp được bộ hình này đối với mình rất thú vị. Cuộc sống lênh đênh biển cả của họ đã thực sự giúp mình mở “cửa sổ” tâm hồn lẫn đời sống”.
Để chụp hình ai đó có hồn, ra còn phải … “sống” cùng họ
Tiếp cận một câu chuyện không phải chỉ đơn thuần là nghe đối phương trải lòng về họ, bạn cần học cách phải sống cùng họ, ăn uống cùng họ để hiểu hơn tính cách và hoạt động thường ngày của họ, mọi thứ cần phải kiên nhẫn hết mức để “zoom” trọn khoảnh khắc để đời.

Anh Trung đã chia sẻ khá tận tình về bài học này: “Ngà chính là nhân vật trong bộ ảnh số ba của mình vì mình đã theo chân cô bé một ngày trời tại đồi rác. Ý tưởng ban đầu của mình về Phú Quốc là chụp một bộ ảnh về gia đình ngư dân. Mình đã len lỏi tất cả những làng chài được giới thiệu, đi gần hết những con đường chính bao quanh đảo nhưng vẫn không thu được kết quả nào.
Trong cảm xúc tuyệt vọng, cái duyên đã đưa mình đến với cô bé. Dừng lại trên đường và kiểm tra hành lý, mình quyết định di chuyển về một khách sạn khác ở gần trung tâm hơn, lúc đó có hai cô bé tiến về phía mình trong hình dạng nhễ nhại mồ hôi, một trong hai cô bé tên là Ngà, em rụt rè xin mình quá giang về nhà.

Cuộc sống thường ngày của cô bé này chính là những thứ vứt đi của mọi người ở đồi rác. “Bạn thân” của Ngà là Elsa – con búp bê bị bỏ lại. Ngà cởi mở và liên tục gợi ra những chủ đề để bắt chuyện với mình, về những con búp bê được xem là quý giá nhất, đến những năm tháng không được đi học. Trong những câu chuyện em kể, mình cảm nhận được cô bé khát khao được đến lớp biết nhường nào. Lúc đó mình đã nghĩ sẽ phải giúp đỡ cô bé này bằng bất kì giá nào”.