1. Bạn quyết định bán đồ trang sức thủ công do chính tay bạn làm. Trên bàn đó có bao nhiêu loại phụ kiện và vòng vèo thế?
2. Một người khách đi tới, dừng lại và ngắm nghía những món đồ bày trên bàn của bạn, nhưng chỉ được một lát thì người đó bỏ đi mà không mua bất cứ thứ gì. Lúc đó bạn nghĩ gì?
3. Một khách hàng tiềm năng khác đi tới và tỏ ra vô cùng thích thú một trong số những mẫu thiết kế của bạn. Bản thân bạn cũng nghĩ mẫu đó là đẹp nhất trong bộ sưu tập của mình. Bạn sẽ mời chào người khách đó như thế nào?
4. Đã đến giờ đóng “cửa hàng” rồi, kết quả bán hàng của bạn thế nào?
Giải mã:
Các phụ kiện thời trang thể hiện khía cạnh xã hội của bản thân. Những món đồ được làm thủ công càng khắc họa sâu sắc hơn tính cá nhân riêng biệt của mỗi người. Do đó, phản ứng của bạn trong tình huống giả định này sẽ cho thấy bạn mong muốn được người khác nhìn nhận như thế nào.
1. Số lượng các loại trang sức khác nhau mà bạn bán cho biết số cá tính hay “mặt nạ” xã hội khác nhau mà bạn vẫn dùng trong những trường hợp khác nhau. Có thể với gia đình bạn là một chú chim chích lách chách cả ngày nhưng khi đến trường bạn lại “hóa thân” thành “hạt thóc” nằm im re trong bị? Với bạn thân thì bạn rất nhiệt tình nhưng với người lạ thì bạn lại rất e dè, xa cách chẳng hạn…
Bạn càng có nhiều loại “mặt nạ”, càng sắm nhiều “vai diễn” thì chứng tỏ cuộc sống của bạn càng phức tạp. Mà thật ra, được là chính mình trong mọi tình huống mới là điều hạnh phúc nhất. Nếu con số bạn đưa ra rất lớn thì có thể bạn hơi nhát, thiếu tự tin hoặc từng trải qua những tổn thương mất mát. Hi vọng rằng đây sẽ là tín hiệu cảnh báo để bạn tìm cách cân bằng lại cuộc sống của mình.
2. Cảm giác của bạn khi bị mất một khách hàng tương ứng với cảm giác của bạn sau khi bị bỏ rơi hoặc khi “trái tim tan vỡ”.
- “Tôi băn khoăn không biết tại sao họ không thích?” - bạn cảm thấy mình là người có lỗi.
- “Không vấn đề gì, hội chợ còn hàng trăm hàng nghìn khách hàng khác cơ mà!” - một cái nhún vai bỏ qua và bạn sẽ nhanh chóng lấy lại thăng bằng.
- “Đúng là đồ mắt toét, dám coi thường hoa tay của mình, phải đấm cho một quả vào mũi cho sáng mắt ra mới được” - bạn sẽ tận dụng cơ hội để đòi lại “sự công bằng” cho mình, chà, rất mạnh mẽ và rất …hiếu chiến.
3. Cách bạn mời chào khách hàng mua món đồ đẹp nhất của mình phản ánh điều mà bạn cho là thế mạnh của bản thân và những cách mà bạn cố gắng thể hiện những ưu điểm đó ra trước mặt người khác. Có phải bạn chỉ “tiếp cận” một cách vừa phải và để cho khách hàng tự quyết định là chính? Hay là bạn tìm đủ ngôn từ để kèo nhèo khách hàng mua cho bằng được? Hay là bạn tự động đưa ra một cái giá thấp hơn để thuyết phục? Có ưu điểm là điều tốt, nhưng cách thể hiện ưu điểm cũng rất quan trọng đó. Cẩn thận đừng biến mình thành điều phiền toái cho người khác nhé!
4. Kết quả kinh doanh cuối ngày chính là một sự đo lường cho lòng tự tin của bạn. Nếu bạn nói rằng bạn đã bán hết sạch hàng thì chứng tỏ bạn không thiếu lòng tự tin. Vấn đề của bạn chỉ là đừng “dọa” người khác bởi sự tự tin quá ngưỡng thành liều lĩnh của mình. Nếu bạn nói cả ngày kinh doanh vô cùng ế ẩm thì có nghĩa là bạn là người hơi tự ti. Sự tự ti này đôi khi bắt nguồn từ tâm lý quá cầu toàn, bạn đặt ra yêu cầu quá cao và sau đó thì không có cách gì “leo” tới được. Nếu bạn cho rằng kết quả kinh doanh trung bình thì chúc mừng bạn, bạn là người hiểu rõ mình là ai và không hề có chuyện đánh giá thấp giá trị của mình. Biết rõ sở trường, điểm yếu của bản thân chính là chìa khóa mở ra cánh cửa thành công, câu này bạn đã nghe quen rồi mà, đúng không?