“Hứa với nhau đi.”
“Hứa gì?” Tôi ngây ngô hỏi Nhím.
“Rằng chúng ta sẽ không bao giờ rời xa nhau.”
Nhím nhìn tôi, giơ ngón út lên cười hiền hoà. Tôi cũng bật cười vì câu nói ngô nghê của em, ngoắc tay em rồi gật đầu.
“Ừ, hứa nhé!”
Mùa xuân tháng Ba, hoa gạo nở trắng rụng đầy đầu hai đứa, cũng là sự trong trẻo đầu đời của hai đứa nhóc 15 tuổi lần đầu biết rung động.
Chúng tôi hứa sẽ không bao giờ rời xa nhau. (Minh họa: Phim Tình Đầu Dành Hết Cho Em) |
Nhím với tôi là bạn nối khố, chơi với nhau từ thuở lọt lòng. Nhà Nhím ở kế bên nhà tôi, nên hai đứa thân nhau lắm. Nhớ cái hồi bé xíu xiu, cứ có cái gì ngon là tôi chỉ ăn có một nửa, gói lại rồi đem qua cho Nhím. Đến nỗi một ngày có 24 tiếng thì nhà Nhím phải gặp tôi đến 25 tiếng.
Lắm khi, mẹ tôi dỗi hờn mà bảo “Đấy! Tôi đẻ ra nó mà tôi cũng chẳng bằng Nhím”. Tôi lúc ấy ngượng chín mặt, chỉ biết cười xoà mà sà vào lòng mẹ. Tôi nhận ra tôi quý Nhím, quý lắm!
Thuở lên sáu, tôi và Nhím học cùng trường. Chúng tôi bén cái duyên “kế bên” nhau lắm. Nhím nhà kế bên nhà tôi, giờ lớp học cũng kế bên lớp tôi luôn. Hôm nào tan học tôi cũng nhanh nhảu chạy ngay sang đón Nhím, hai đứa lon ton đi bộ từ trường về nhà.
Chúng tôi chơi với nhau từ thuở lọt lòng. (Minh họa: Phim Tình Đầu Dành Hết Cho Em) |
Có lần chạy sang lớp Nhím, thấy Nhím khóc to lắm. Nhím bảo thằng Huy ăn trộm bút chì của Nhím, Nhím thấy nó bỏ vào cặp mà không làm gì được. Tôi tức lắm. Sáng hôm sau đến đấm tím cả má thằng Huy. Tôi phải lên gặp hiệu trưởng, tưởng xong đời rồi mà Nhím nức nở chạy lên bênh tôi, thế là Huy phải xin lỗi Nhím.
Nhưng tôi cũng phải xin lỗi Huy và viết một bản kiểm điểm to oạch. Mẹ kí bản kiểm điểm cho tôi nhưng cười tươi lắm, xoa đầu tôi rồi bảo “Hảo hán thế mới là con của mẹ!”.
Lên cấp hai, tôi được học cùng lớp Nhím. Hai đứa cách nhau hai cái bàn, nhưng cứ động tí là lại đáp giấy thư cho nhau. Nào là rủ đi hái trộm xoài, rủ đi ra suối chơi,… Lắm khi bị cô giáo bắt được, chúng tôi phải đứng góc lớp mà nhìn nhau cười đến hết tiết. Không biết từ bao giờ mà tôi đã canh cánh bên Nhím ngày qua ngày, hai đứa cứ như hình với bóng, bám riết lấy nhau chẳng rời.
Không biết từ bao giờ mà tôi đã canh cánh bên Nhím ngày qua ngày. (Minh họa: Phim Tình Đầu Dành Hết Cho Em) |
Thế rồi, Nhím chuyển trường. Bố Nhím chuyển chi nhánh, Nhím lên thành phố học. Còn tôi vẫn là thằng nhóc thôn quê “chân đất áo may ô”. Chúng tôi chia tay nhau ở cây gạo đầu làng, cây gạo tuổi thơ đã theo dấu chân hai đứa tôi từ bé đến lớn.
“Tháng Ba hàng năm là ngày giỗ ông tớ, chắc chắn tớ sẽ về thăm Cún.”
“Hứa nhá!”
“Hứa!”
Hai đứa ngoắc tay rồi cười tươi. Nhưng nụ cười chưa được thoáng chốc thì mặt tôi xìu xuống, tôi phải xa Nhím sao? Tôi còn chưa bao giờ nghĩ đến viễn cảnh ấy. Tôi bật khóc, Nhím thấy thế cũng khóc theo. Hai đứa cứ đứng đấy mà khóc, khóc chán chê rồi cùng nhau cuốc bộ về nhà. Ngày mai, Nhím lên đường.
Ngày Nhím đi, tôi ở lì trong phòng, mẹ có gọi thế nào tôi cũng không tiễn Nhím. Tôi buồn lắm, tôi sợ cảnh chia tay lắm, tôi bối rối lắm, tôi chẳng biết phải làm gì ngoài việc ngồi phục trong ấy mà chờ ngày qua đi.
Chúng tôi chia tay nhau ở cây gạo đầu làng... (Minh họa: Phim Tình Đầu Dành Hết Cho Em) |
Tháng Ba hàng năm, tôi lại ra trước cây gạo mà đợi. Hoa gạo rụng trắng đường làng, nhưng Nhím chẳng xuất hiện. Tháng 3 có 31 ngày, ngày nào tan học tôi cũng ra đợi Nhím. Tôi chờ Nhím quãng độ ba năm nhưng Nhím chẳng về. Năm sau là tôi đi đại học rồi, giờ chẳng gặp Nhím thì chẳng biết bao giờ mới được gặp lại nữa. Vậy là tôi và Nhím không còn cơ hội nữa…
Ngày 31 tháng 3 năm ấy, tôi lủi thủi bước đến gốc cây gạo như một thói quen cũ. Lần cuối cùng, cơ hội cuối cùng.
“Cún!”
Tiếng gọi quen thuộc quá, nhưng nghe đôi chút xa lạ. Là Nhím! Nhím về đấy ư? Tôi ngước lên, là Nhím thật! Tôi chẳng nói chẳng rằng, chạy hết sức bình sinh tới mà ôm chầm lấy Nhím.
“Em về rồi đây!”
Thì ra lời hứa ấy năm ấy chưa bao giờ bị lãng quên, như hoa gạo chưa năm nào quên nở.
Mình gặp lại nhau khi hoa gạo nở nhé. (Minh họa: Phim Tình Đầu Dành Hết Cho Em) |
Để tham gia cuộc thi “Mối Tình Đầu Năm Ấy” bạn có thể tham khảo thể lệ cuộc thi tại đây.