Lần đầu tiên được đăng trên Facebook vài năm trước, bức thư đã thu được một lượng tương tác đáng kể trong một thời gian ngắn.
Điều đáng nói, bức thư do cô giáo đã nghỉ hưu có tên Lisa Roberson viết này lại bất ngờ sốt trở lại cho dù tên tờ báo đăng bức thư không mấy người chú ý nữa.
Theo đó, bức thư viết rằng: “Là một giáo viên đã nghỉ hưu, tôi phát ốm vì những người không biết gì về các trường công lập hoặc chẳng tham gia một lớp học nào gần đây mà lại đi quyết định cách khắc phục hệ thống giáo dục.
Các giáo viên không phải là vấn đề! Các bậc phụ huynh mới là vấn đề! Họ không dạy con cái cách cư xử, tôn trọng hay thậm chí là cách để sống hòa hợp với người khác.
Những đứa trẻ đi đến trường trong những đôi giày có giá còn đắt hơn cả bộ trang phục của giáo viên, nhưng lại không có bút chì hoặc giấy viết. Vậy ai sẽ là người mua những thứ mà những đứa trẻ không có ấy? Các giáo viên đã phải bỏ tiền túi của họ ra.
Khi bạn nhìn vào những ngôi trường đang “đi xuống”, thì hãy nhìn vào phụ huynh và học sinh. Bạn có thấy những người làm cha mẹ đến các buổi họp phụ huynh đầy đủ? Có thấy họ nói chuyện với giáo viên thường xuyên không? Họ có chắc chắn rằng con cái họ được trang bị đầy đủ đồ dùng học tập? Họ có chắc chắn rằng con cái họ đã hoàn thành bài tập về nhà?
Phụ huynh có cung cấp số điện thoại để làm việc với giáo viên không? Còn học sinh, các em có ghi chép bài trên lớp không? Có làm bài tập về nhà không? Có chú ý nghe giảng trong lớp không, hay chính các em là nguồn cơn của những gián đoạn trong lớp?
Khi nhìn vào tất cả những yếu tố trên, chúng ta sẽ thấy rằng không phải trường học đang thất bại mà là phụ huynh. Giáo viên không thể đảm đương cả công việc chuyên môn của họ và gánh vác cả trách nhiệm của người làm cha làm mẹ. Chỉ khi nào mà các bậc phụ huynh chịu đứng lên và làm công việc của họ, mọi chuyện mới có thể khá hơn!”
Lá thư của cô đã tạo ra những phản ứng trái chiều từ độc giả, có cả lời khen ngợi và chỉ trích. Một số người tin rằng cha mẹ có trách nhiệm chính trong việc dạy con cách cư xử và tôn trọng, nhưng một số lại đổ lỗi cho cô vì đã không cố gắng đủ nhiều mà lại đi phán xét người khác.
“Tôi hoàn toàn đồng ý! Phần lớn các trường học thất bại chính là nơi nuôi dạy đứa trẻ của những bậc cha mẹ thất bại”, một người đã viết trên Facebook.
Một người dùng khác nói thêm: “Đó là lý do tại sao vợ tôi ngừng dạy học sau 10 năm ở một ngôi trường nội thành. Ngoài phụ huynh, sự thiếu hỗ trợ từ trường học cũng là vấn đề, vậy mà cuối cùng chỉ đổ lỗi cho các giáo viên”.
Một tài khoản khác nói, “Nếu như chính phủ cho phép cha mẹ dạy cho con cái họ sự tôn trọng, bọn trẻ sẽ biết tôn trọng. Nhưng ngày nay, trẻ em có thể gọi cảnh sát vì cha mẹ đang kỷ luật chúng, các bậc phụ huynh thậm chí có thể bị phạt hoặc bị tống vào tù”.
Nhưng không phải ai cũng đồng ý với cô giáo Roberson.
“Đây là một trong những phán xét lạc hậu, phiến diện và nông cạn nhất mà tôi từng đọc được! Thật là tốt khi mà giáo viên này đã nghỉ hưu. Đây không phải là cách tiếp cận trong giảng dạy hoặc gặp gỡ các gia đình hay xây dựng bất kỳ mối quan hệ công việc tử tế nào. Đây chỉ là một lời phán xét không thỏa đáng”, một người bình luận đã viết.
Một người khác nói, “Trong phần lớn thời gian ở trường học, không phải tất cả các giáo viên đều dạy học giống như cô giáo đã viết bức thư này, bạn phải học cách tiếp cận với cha mẹ học sinh cho dù nó có khó khăn đến đâu”.
Những người khác kêu gọi một phương pháp tiếp cận toàn diện hơn.
Một ý kiến khác thì cho rằng, “Cha mẹ, giáo viên và trẻ em đều muốn giáo dục và chính quyền phải phối hợp làm việc cùng nhau!”.