"Tôi thực sự thấy sốc và bất ngờ. Mấy chục năm gắn với giáo dục, chưa bao giờ tôi thấy có việc nâng điểm thi 'trắng trợn' đến mức như vậy", giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông, nói với PV nhân vụ hàng loạt con lãnh đạo các sở, ngành ở Sơn La được nâng điểm.
Giáo sư Thuyết, người từng là Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nhận xét tiêu cực thi cử năm nay có lẽ là “đỉnh cao”, hiếm có. Tất nhiên mầm mống đã có từ trước rồi, nhưng mức độ không lộ liễu và khó chấp nhận như bây giờ.
"Ưu ái nâng nửa điểm cho thí sinh này thôi là đã hại thí sinh khác rồi, đằng này nâng quá nhiều điểm, hủy hoại tương lai của rất nhiều thí sinh khác", ông nói.
Dùng quyền và tiền để chạy điểm
Trong câu chuyện này, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng quan trọng nhất là phải nêu đích danh tên của các phụ huynh có hành vi mua điểm, chạy điểm cho con.
Sau khi danh sách phụ huynh ở tỉnh Sơn La có con được nâng điểm, sửa điểm tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 được công bố, có những phụ huynh lên tiếng phủ nhận không liên quan. Ông Thuyết cho rằng việc này là vô lý.
"Theo lý luận của họ, thì chính cán bộ, lãnh đạo ấy phải xem lại mình thế nào thì cấp dưới mới tìm cách làm hài lòng mình bằng việc nâng điểm cho con", ông phân tích.
Theo ông, thực tế cũng có những "ông to" không cần nói câu nào mà cấp dưới tự hiểu, tự làm. "Tôi nghĩ nếu lãnh đạo nghiêm khắc từ đầu thì cấp dưới không bao giờ dám làm như thế, cũng không ai tự nhiên làm thế cả", giáo sư Thuyết khẳng định.
Việc nhiều lãnh đạo hay cán bộ, công chức ở Sơn La có con được nâng điểm cho thấy có tình trạng người có chức vụ quyền hạn dùng tiền hoặc quyền lực của mình tác động làm sai lệch điểm thi. Họ đã nêu những tấm gương xấu về việc chấp hành pháp luật, kỷ cương và đạo đức công vụ.
Để xảy ra chuyện này, trách nhiệm chính ông Thuyết cho rằng thuộc về địa phương. Bởi địa phương đứng ra tổ chức thi, là nơi sử dụng cán bộ để phân công vào các khâu trong tổ chức kỳ thi, cũng là đơn vị tổ chức thanh tra, giám sát kỳ thi.
“Lần này, chúng ta phải xử lý nghiêm để làm gương, xử lý cả những người liên quan và những người có trách nhiệm, nếu không, tình trạng này còn tiếp tục xảy ra”, giáo sư Thuyết cảnh báo.
Yêu cầu lãnh đạo tỉnh và Sở Giáo dục kiểm điểm
Trong khi đó, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh thì cho rằng sau khi có kết quả điều tra, cán bộ công chức có vi phạm trong việc chạy điểm, mua điểm sẽ bị xử lý căn cứ theo Luật Cán bộ công chức và Luật viên chức.
Nếu vi phạm đến mức xử lý hành chính thì căn cứ theo luật sẽ có các mức kỷ luật khác nhau như khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc.
Nghiêm trọng hơn, nếu cấu thành đủ các yếu tố hình sự thì sẽ bị xem xét trách nhiệm hình sự (trường hợp chứng minh được cán bộ, lãnh đạo đó dùng tiền hoặc quyền lực để tác động nâng điểm cho con).
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu, cụ thể ở đây là Chủ tịch UBND tỉnh và Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La.
“Chúng ta có đầy đủ các quy định rồi, trách nhiệm cũng rất rõ ràng, vấn đề . Trong việc này, người đứng đầu tỉnh và đứng đầu ngành giáo dục ở tỉnh là Chủ tịch UBND và Giám đốc Sở GD&ĐT không thể vô can”, ông Dĩnh nêu quan điểm.
Ông cũng nói thêm, việc này đang khiến dư luận rất bức xúc nên phải xử lý rốt ráo, địa phương không quyết liệt thì Chính phủ, Trung ương cần có chỉ đạo. Và lần này, không yêu cầu chung chung kiểu “rút kinh nghiệm” nữa, thay vào đó là yêu cầu đích danh Chủ tịch tỉnh và Giám đốc Sở GD&ĐT phải kiểm điểm.
Ông Dĩnh cho rằng đây là bài học kinh nghiệm sâu sắc trong vấn đề quản lý chặt chẽ bằng các quy định của luật. Chúng ta có đầy đủ quy định nhưng thực hiện chưa tốt, làm chưa nghiêm nên không thể răn đe được ai.
Bày tỏ quan điểm, Phó trưởng ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng cũng nhất trí cho rằng địa phương có trách nhiệm cao nhất, trực tiếp nhất trong việc này.
Ông ví von tiêu cực thi cử như một cơn bão, một trận lũ quét đối với ngành giáo dục Sơn La, cuốn đi niềm tin của người dân vào bộ máy công quyền của địa phương. Đây cũng là sự việc đau lòng khi tỉnh phải giải quyết hậu quả do chính cán bộ của mình gây ra.
Vì vậy, theo ông Nhưỡng, bộ máy chính quyền địa phương ở Sơn La phải có trách nhiệm, có động thái mạnh mẽ để dư luận thấy được sự cố gắng của mình trong việc khắc phục hậu quả của cơn bão này; đồng thời, phải thay đổi quyết liệt trong công tác cán bộ thời gian tới, tránh lựa chọn những cán bộ “cánh hẩu”, chạy chức chạy quyền, suy thoái vào bộ máy.