Vừa qua, Logan Preshaw - một nghệ sĩ thực hiện kỹ xảo điện ảnh của bom tấn Avatar: The Way of Water đã tố cáo mức lương không công bằng khi anh làm việc tại công ty VFX Weta Workshop. Theo Preshaw, tiền lương của anh cho bộ phim “nhiều triệu đô la” đã bị cắt giảm xuống 10 đôla/ giờ, mức lương này còn thấp hơn khi anh làm họa sĩ cho các dự án hoạt hình trẻ em.
Dù được đầu tư chi phí “khủng” nhưng Avatar 2 vẫn bị cáo buộc trả lương thấp cho nhân viên. |
“Tôi đã làm việc cho Avatar 2. Tôi tự hào về điều đó. Nhưng tôi không lấy gì làm tự hào về việc Weta Workshop đã trả lương cho nghệ sĩ của mình ít ỏi như thế nào...” Preshaw chia sẻ trên trang Twitter cá nhân.
"Avatar: The Way of Water" thu hút nhờ hiệu ứng hình ảnh. |
Tuy nhiên, nghệ sĩ này cũng làm rõ chuyện cắt giảm tiền lương là lỗi của Weta Workshop - đối tác kỹ xảo của Avatar 2, không liên quan đến đạo diễn James Cameron, hãng 20th Century hay toàn bộ quá trình sản xuất phim.
Câu chuyện của Logan Preshaw thực tế không còn quá xa lạ trong bối cảnh Hollywood hiện tại. Preshaw không phải là nhân viên đầu tiên trong đội ngũ Avatar lên tiếng, trước đó Nick Sinnott - một nghệ sĩ VFX khác cũng từng lên tiếng về “trải nghiệm làm việc tồi tệ” khi làm việc cho phần Avatar (2009).
Hai phần của "Avatar" đều bị nhân viên kỹ xảo “bóc phốt”. |
Không giống như Preshaw, người đã miễn trừ trách nhiệm cho đạo diễn James Cameron và nhóm sản xuất Avatar: The Way of Water, Nick Sinnott đã “chỉ đích danh” vị đạo diễn thắng giải Oscar. Theo Sinnott, những người làm kỹ xảo cho Avatar không được lập thành một đội chung, điều đó dẫn đến việc Cameron có thể “khai thác” sức lao động của họ bằng cách yêu cầu “các bản sửa đổi miễn phí vô tận”.
Trong năm nay, giới phim ảnh cũng chứng kiến một số vụ cáo buộc liên quan đến vấn đề trả công cho nhân viên kỹ xảo của Marvel Studios. Đội ngũ nhân viên lên tiếng rằng hãng “bóc lột sức lao động” khi giao lượng công việc quá tải nhưng thời gian nộp lại vô cùng gấp rút, khiến họ làm việc kiệt sức và dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe. Điều này không quá khó hiểu khi Giai đoạn 4 của Marvel vừa qua có lịch phát sóng dày đặc nhưng chất lượng kỹ xảo lại bị chê.
Marvel cũng từng bị tố là bóc lột nhân viên. |
Từ những câu chuyện trên, có thể thấy trong bối cảnh hiệu ứng hình ảnh ngày càng trở nên quan trọng như hiện nay, các hãng phim luôn cần nghệ sĩ VFX của mình làm việc hiệu quả và nhanh chóng. Tuy nhiên, những công ty lớn này cũng cần cân nhắc về việc chi trả tiền thù lao phù hợp cho nhân viên. Điều này vừa để nhân viên có thể dốc tâm hoàn thành tốt công việc, vừa để tránh tiếng xấu ảnh hưởng đến hình ảnh của hãng phim.