Những mốc thời gian hạnh phúc: Ngày bà mất

Những mốc thời gian hạnh phúc: Ngày bà mất
HHT - Kể cả trong một ngày buồn nhất, những điều ngọt dịu nhất vẫn có thể xảy ra.

Nội tôi mất vào 7 giờ 15 phút, sáng mùng 4, tháng Giêng, năm Mậu Tuất.

Tôi cho đến giờ chưa từng chứng kiến người thân nào của mình ra đi. Tôi đã từng ngồi bần thần tưởng tượng rồi sẽ có một ngày đau buồn như thế. Nhưng rồi, kể cả trong một ngày buồn nhất, những điều ngọt dịu nhất vẫn có thể xảy ra.

Những mốc thời gian hạnh phúc: Ngày bà mất ảnh 1

Tôi thấy bố tôi, đêm trước ngày bà mất, lẳng lặng ngồi cắt móng tay cho bà, đôi bàn tay đã mấy hôm không còn động đậy, ngày một nhợt nhạt, xanh xao. Bố tôi mắt nheo lại, tỉ mẩn cắt cắt, bấm bấm cho bà, như một đứa bé con từ một ngày rất xa, lại ngồi nghịch ngợm, mân mê bàn tay của mẹ.

Tôi thấy cô tôi ngoài sân lục đục giã gừng, giã xả để pha nước tắm cho bà ngày cuối cùng. Cô cẩn thận, tỉ mỉ lau rửa cho bà từng kẽ tay, kẽ chân, mặt, rồi cổ, rồi bụng, rồi lưng,... Chậu nước thơm những mùi thơm của lá, của làng, của quê, thơm cả mùi nước mắt cô tôi.

Những mốc thời gian hạnh phúc: Ngày bà mất ảnh 2

Tôi thấy các cháu tôi, đứa lên năm, đứa lên sáu, luôn miệng gọi cụ dậy, váng cả nhà. Chốc chốc, lại có đứa chạy vào giường mà đưa mấy ngón tay be bé lên mũi cụ, xem còn thở nữa không. Tôi lớn hơn, không còn đủ ngây thơ và cả lòng dũng cảm để đưa tay lên, chỉ dám ngồi nép bên cụ mà lặng nghe từng nhịp đập.

Tôi thấy bà bạn vẫn hay sang chơi với bà tôi hàng chiều, cho đến những chiều bà tôi nằm im, không nói, vẫn sang nhà, ngồi cạnh giường, kể dăm ba câu chuyện đầu làng cuối xóm, buông mấy lời giận hờn con trai, con dâu, rồi vài câu chửi thề trách cái cuộc đời này sao bất công, vô lý, không để hai bà đi cùng nhau cho có bạn có bè. Khi già, cái chết không còn đáng sợ, đáng sợ hơn có lẽ là cảm giác bị bỏ lại một mình.

Những mốc thời gian hạnh phúc: Ngày bà mất ảnh 3

Bà đi. Tôi thấy những người hàng xóm của bà tôi, từ già tới trẻ, đôn đáo chạy sang. Người hộ ấm nước, người hộ nồi cơm. Trước lúc cử hành tang, cả nhà sốt lên vì không có gậy để cho các con trai chống. Hai anh hàng xóm chạy ù ra ngoài, phóng xe máy vù đi, một lát sau thì vác mấy cây tre trở về. Hì hụi, hì hụi đẽo gọt. Một chú râu tóc nhìn bặm trợn chạy vào ôm bà mà khóc ầm lên. Chú bảo, ngày xưa chú đánh bạc hết tiền, chạy sang bà cho gạo ngay, chú ơn bà nhiều lắm. Tôi tưởng như bà tôi thật may mắn vì cả đời sống với làng quê, nơi mà thứ tình làng nghĩa xóm lúc nào nó cũng nóng hổi và bùi ngùi như vậy. Kể cả trong một ngày tang.

Rồi tôi thấy bác cả tôi, người bác ngày thường lãnh đạm đến lạnh lùng, ngồi lầm rầm đọc Kinh “Nam Mô A Di Đà Phật” trước di ảnh bà, những mong linh hồn bà về với cõi thanh tịnh. Thời điểm khi phải đối diện với mất mát quá lớn, một tâm hồn dù đã được mài giũa thành sắt đá, cũng phải viện tới một đức tin, một niềm tin tâm linh dù vô hình, để có thể vịn vào.

Những mốc thời gian hạnh phúc: Ngày bà mất ảnh 4

Tôi lại thấy bố tôi - dù đã 60 tuổi, ôm lấy chú út tôi - cũng đã ngoài 40 - vào lòng mà khóc, mà dỗ dành. Chú tôi, vợ bỏ nhà, đem các con đi, bao nhiêu năm cũng chỉ có bà để thủ thỉ. Bố tôi nói, mẹ mất rồi, trên đời này chỉ còn anh em mình ở lại để mà thương nhau...

Tôi trông sang ảnh bà. Tôi thấy bà tôi vẫn mỉm cười.

VŨ THỊ KIỀU CHINH (Cầu Giấy - Hà Nội)

Ảnh minh họa từ bộ phim “Anne With An E”.

Chi tiết về cuộc thi “Những mốc thời gian hạnh phúc” có thể xem tại đây.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Công xưởng xanh của Apolenka: Chìm vào màu xanh tuyệt đẹp như thế giới cổ tích

Công xưởng xanh của Apolenka: Chìm vào màu xanh tuyệt đẹp như thế giới cổ tích

HHT - “Công xưởng xanh của Apolenka” là một cuốn sách tuyệt đẹp. Không chỉ bởi các bức tranh với sắc xanh diệu kỳ tưởng như đang ở thế giới cổ tích, mà còn vì câu chuyện được kể rất ấm áp. Không những thế, cuốn sách còn mang đến cho các bạn nhỏ những hiểu biết thú vị về một nghề truyền thống ở nước Séc xa xôi.