Những mốc thời gian hạnh phúc: Nhớ lưng còng dáng ngoại

Những mốc thời gian hạnh phúc: Nhớ lưng còng dáng ngoại
HHT - Dẫu năm tháng có đổi thay thì ngoại tôi vẫn vậy, lưng ngoại còng thêm bao nhiều thì tình yêu thương ngoại dành cho con cháu lại lớn thêm bấy nhiêu.

Lưng ngoại đã còng lắm rồi. Không hẳn bởi tuổi già mà bởi sự vất vả lam lũ suốt một đời đã thành gánh nặng vô hình đè lên lưng ngoại. Ngoại tôi tuy đã gần 80 nhưng ngoại vẫn hăng hái lao động lắm. Vì tính ham làm, không thể ngồi yên của ngoại mà trong một lần chất rơm dự trữ, ngoại bị té khiến lưng ngoại đã còng lại còng thêm.

Tóc ngoại cũng bạc lắm rồi. Bạc phơ cả mái đầu. Mỗi lần nhìn tóc bạc mái đầu ấy, tôi xúc động, xót xa mà cũng tự hào vô cùng, bởi ngoại trong tôi khi đó chẳng khác nào một ông Bụt hiền từ mà tôi vẫn thầm ao ước được gặp gỡ. Lưng ngoại còng nên thấy người ngoại trông nhỏ hơn ai hết. Cái dáng hình ấy đã khắc sâu vào tâm trí của con cháu. Thời trẻ với những thử thách khó khăn của cuộc đời đã khiến ngoại phải bươn chải nhiều, lao động nhiều, về già lại không nghỉ ngơi như lẽ thường. Có lẽ không động đến việc một ngày thôi ngoại tôi sẽ buồn lắm nên mọi người trong gia đình đã đồng ý để ngoại “lao động” trên mảnh vườn sau nhà.

Những mốc thời gian hạnh phúc: Nhớ lưng còng dáng ngoại ảnh 1

Dạo quanh vườn của ngoại, rau với cây trái là chủ yếu. Mỗi lần về với ngoại, tôi thích nhất là nghe thấy tiếng ngoại trìu mến gọi tôi ra vườn cùng ngoại chăm sóc chúng. Và mỗi lần ấy, khi quay trở vào, trong tay tôi lại đầy ắp những rau và trái cây mà ngoại đặc biệt dành đến lúc tôi về mới “thu hoạch”. Ngoại tôi giỏi chẳng khác gì “kĩ sư nông nghiệp”, bởi ngoại thường mày mò tìm tòi cách trồng những loài cây “khó tính” trong vườn mặc dù con cháu đã khuyên ngoại nghỉ ngơi.

Dẫu năm tháng có đổi thay thì ngoại tôi vẫn vậy, lưng ngoại còng thêm bao nhiều thì tình yêu thương ngoại dành cho con cháu lại lớn thêm bấy nhiêu. Tôi nhớ nhất ngày gia đình tôi chưa chuyển lên thành phố, dù trời mưa to, đất trời như nghiêng ngả trong màn nước trắng xóa, trên con đường đất nhão nhoét bùn, đầy những ổ gà, đối với người trẻ còn khó đi chứ nói chi đến người già mắt kém lưng còng, nhưng ngoại vẫn đến để đưa tôi gói bánh lộc. Tôi không bao giờ quên được hình ảnh ngoại mái tóc đẫm nước, chân lấm lem bùn đất, bùn lầy dưới chân ngoại khô cứng lại nên ngoại không vào nhà mà chỉ gọi tôi ra nhận bánh. Vỏ gói bánh lạnh toát vì hơi nước, nhưng cầm trên tay gói bánh ấy tôi tưởng chừng như vừa được nhận một chiếc bánh mới ra lò, bởi chiếc bánh ấy được ủ ấm bằng trái tim và tình yêu ngoại dành cho cháu. Mắt tôi đỏ hoe khi ngoại quay lưng đi vội vã mang quà đến những đứa cháu khác giữa tiết trời u ám.

Những mốc thời gian hạnh phúc: Nhớ lưng còng dáng ngoại ảnh 2

Năm tháng cứ thế lớn lên trong vóc người những đứa cháu, mà ngoại thì vẫn nhỏ bé hoài, vẫn quanh quẩn bên vườn rau, vẫn chăm chút cây trái đến mùa cho quả, vẫn đến nhà từng đứa cháu cho quà bất chấp nắng mưa. Bây giờ, cuộc sống hiện đại giữa thành phố phồn hoa không thiếu cái gì nhưng tôi vẫn nhớ lắm mùi vị khó quên của tuổi thơ trong những thứ quà, thức quả mà ngoại tôi đem đến. Tôi vẫn ôm ngoại, ôm lấy chiếc lưng còng, đôi bàn tay nhăn nheo, vuốt những sợi tóc bạc để biết rằng tôi hạnh phúc biết bao khi còn ngoại ở bên.

VĂN KHÁNH HUYỀN

(Vọng Tân, Đồng Tân, Ứng Hòa, Hà Nội)

Ảnh minh họa từ phim Flipped

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Đọc “Kì Công Diệu Nghệ”, tự hào trước những sáng tạo cực xịn của người Việt xưa

Đọc “Kì Công Diệu Nghệ”, tự hào trước những sáng tạo cực xịn của người Việt xưa

HHT - Trong "Kì Công Diệu Nghệ", hai tác giả Đông Nguyễn và hoạ sĩ Kaovjets Ngujens giới thiệu 30 kĩ thuật và công nghệ nổi trội, cả du nhập lẫn tự sáng tạo, được ông cha ta ứng dụng vào đời sống trước thế kỉ XX. Trong đó, nổi bật nhất là các phát kiến quân sự và hàng hải - khiến người đọc tự hào trước những sáng tạo đáng điểm 10 của người Việt xưa.
Cuốn Sách Hoang Dã: Hiện tượng xuất bản thế giới ra mắt độc giả Việt Nam

Cuốn Sách Hoang Dã: Hiện tượng xuất bản thế giới ra mắt độc giả Việt Nam

HHT - Kỳ nghỉ hè ngỡ như buồn tẻ và cô độc của Juan trở nên ngày một ly kỳ, thú vị, lôi cuốn hơn khi cậu bé nhận thấy những cuốn sách ở nhà bác không hề bình thường: Chúng lén lút tự di chuyển khi không ai để ý, chúng thay đổi và ăn trộm nội dung của nhau, chúng chỉ xuất hiện nếu muốn được đọc. Dường như chính những cuốn sách mới là chủ của thư viện.
"Đất rừng phương Nam" đẹp dung dị dưới ngòi bút tài hoa của nhà văn Đoàn Giỏi

"Đất rừng phương Nam" đẹp dung dị dưới ngòi bút tài hoa của nhà văn Đoàn Giỏi

HHT - Những trang viết của nhà văn Đoàn Giỏi dẫn dắt người đọc vào những cuộc phiêu lưu, đến với những cánh rừng đước, đầm lầy, con nước Cửu Long, lắng nghe tiếng gọi hoang dã của muông thú, và đắm mình vào đời sống của những người dân Nam Bộ - những con người dung dị và đáng mến, nhưng cũng rất anh hùng trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do.
Nằm nghe tuổi thơ lớn lên qua hai tập truyện mới của nhà báo Phạm Công Luận

Nằm nghe tuổi thơ lớn lên qua hai tập truyện mới của nhà báo Phạm Công Luận

HHT - Là cây bút quen thuộc với dòng sách kể chuyện về Sài Gòn xưa cũ mà hiện đại, nhà văn - nhà báo Phạm Công Luận trở lại với văn học thiếu nhi bằng hai quyển sách "Xóm thiên đường" và "Trang trại cuối rừng". Đây là hai tập truyện mở ra cánh cửa mời bạn đọc bước vào thế giới tuổi thơ ngộ nghĩnh, sống động và giàu tình yêu thương.
Bộ truyện tranh kể những chuyện ít biết về thế hệ người Việt “mắc kẹt” nơi xứ người

Bộ truyện tranh kể những chuyện ít biết về thế hệ người Việt “mắc kẹt” nơi xứ người

HHT - Hai tập truyện tranh mới ra mắt trong bộ "Kí ức kiều bào" của hoạ sĩ người Pháp Clément Baloup đã hé lộ phần nào về đời sống xa xứ của các lính thợ, các chân đăng trong giai đoạn Thế chiến II. Bộ truyện tranh đã mở ra một phần lịch sử, qua kí ức của chính những người trong cuộc.