“Những mốc thời gian hạnh phúc”: Ông vẫn dõi theo từng bước chân cháu, cháu biết thế mà

“Những mốc thời gian hạnh phúc”: Ông vẫn dõi theo từng bước chân cháu, cháu biết thế mà
HHT - Ngày tôi đỗ đại học, trước lúc lên xe ra Hà Nội học, ông thấp thỏm đi lên đi xuống. Ông dúi cho tôi một ít tiền bảo giữ lấy, đừng để bố mẹ biết. Tôi muốn khóc lắm nhưng sợ ông lo nên cười thật tươi.

“Linh ơi, dậy, dậy, trưa rồi, bố mẹ mi đi mần hết rồi, có dậy không?”

Vâng, đấy chính là ông nội tôi. Cứ hôm nào tôi được nghỉ học ở nhà ngủ nướng là tôi lại bị ông đánh thức như vậy. Nhiều khi cảm thấy ấm ức lắm mà vẫn phải cố gắng ngóc đầu dậy. Tôi từ bé đã ngủ với ông. Mẹ kể hồi bé tôi hay khóc lắm, phải bế mới chịu, hễ đặt xuống là khóc. Bố mẹ đi làm, từ sáng đến tối ông tôi chăm, bế mỏi tay quá nên ông phải làm một cái địu vắt vòng qua cổ, bỏ tôi vào đấy. Đến cả đi vệ sinh cũng vác tôi theo. Lúc tôi chưa đi học, thấy các anh trai trong xóm chơi súng bắp (loại đồ chơi làm bằng ống tre nhỏ, nhét hạt đinh đọt vào làm đạn bắn) tôi cũng khóc lóc đòi có một cái cho bằng được. Giữa cái nắng trưa hè của Nghệ An, ông vẫn đội nắng làm cho tôi một cây súng bắp, tự nhiên tôi thấy thương ông lạ lùng.

Ảnh minh họa: phim Little Miss Sunshine.

Ngày ấy nhà tôi nuôi năm con bò, sáng sớm ông lại cõng tôi đi thả bò trên đồi. Những hạt sương sớm trong veo như đôi mắt đen tròn của bé con đang ngó nhìn mọi thứ qua đôi vai gầy của ông. Ông tôi nhiều râu lắm, ông toàn nhờ tôi lấy hạt lúa nhổ râu cho ông. Rồi tôi cũng đi học mẫu giáo, một ngày ông phải đến trường bốn lần để đưa đón tôi. Ông có một chiếc xe sắt cũ, mỗi vòng quay nó lại kêu ken két. Mãi sau này tiếng kêu của chiếc xe ấy vẫn in hằn trong trí nhớ tôi.

Nghệ An thường đón bão vào tháng Tám, có lần ông chở tôi đến trường trời mưa bão, lúc ông quay xe về bị gió quật ngã, chúng bạn cười ầm lên.

“Có ông nớ bị bão thổi kìa.”

Tôi chỉ muốn đấm cho mỗi đứa một cái, nước mắt như sắp chực trào ra. Và rồi lên lớp 3 tôi cũng biết tự đạp xe đến trường, mấy ngày đầu sáng đi xe, trưa về bộ, tôi quên mất mình đi xe, sợ bố mắng nên chỉ nói với ông, vậy là ông lại đội nắng đi bộ ra trường đưa xe về cho tôi.

Ảnh minh họa: phim Flipped.

Bàn học, tủ sách của chị em tôi đều do một tay ông đóng. Ông bảo ngày xưa ông cố là thợ mộc nên ông học lỏm được chút đỉnh. Tôi đi học thường làm lớp trưởng, phải báo cáo tình hình trong lớp, thầy cô thì quý mà chúng bạn thì ghét, nhất là mấy đứa con trai, chúng ghét tôi lắm. Cho nên việc tôi bị xịt lốp xe là chuyện cơm bữa. Những lần như thế ông lại phải hì hục sửa xe cho tôi.

Ngày 30 Tết, ông hay chở tôi ra thăm mộ thắp hương mời các cụ về ăn Tết. Ông chỉ tôi biết mộ cụ này là ai, vai vế trong dòng họ thế nào. Có khi tôi còn biết nhiều hơn cả bố tôi ấy chứ.

Ảnh minh họa: phim Cinema Paradiso.

Ngày tôi đỗ đại học, trước lúc lên xe ra Hà Nội học, ông thấp thỏm đi lên đi xuống. Ông dúi cho tôi một ít tiền bảo giữ lấy, đừng để bố mẹ biết. Tôi muốn khóc lắm nhưng sợ ông lo nên cười thật tươi, dạ dạ vâng vâng cảm ơn ông. Tôi đi học xa nhà, hễ có ai ra Hà Nội là ông lại nhờ người ta mang đủ thứ quà quê cho tôi. Mẹ tôi nhiều khi muốn bớt lại ít đồ vì sợ nặng quá nhờ người ta xách cũng ngại, ông nhất quyết không cho bớt. Mở thùng quà các-tông ra, nào là bầu bí, rau lang, rau muống, thịt gà... sực mùi nắng gió Nghệ An, mùi mồ hôi bàn tay ông chăm sóc. Ai đã từng đi học đại học xa nhà được nhận quà quê chắc đều hiểu được niềm hạnh phúc đó lớn như thế nào.

Đến cuối năm thứ hai đại học, tôi còn nhớ khi ấy là mùa thi cuối kỳ, tháng Sáu đầy nắng. Ông ốm nặng, huyết áp cao cùng với bệnh tiểu đường đã quật ngã ông. Tôi về nhà, ông nằm đấy, mắt nhằm nghiền và mất ý thức. Ba ngày sau, ông tôi mất.

Ảnh minh họa: phim Flipped.

Từ nay mỗi lúc tôi ngủ nướng sẽ không còn ai quát thức tôi dậy, xem ti vi nhiều sẽ không còn ai bắt tắt, sẽ không còn ai ngồi kể chuyển ngày xưa  cho tôi nghe nữa, sẽ không còn ai ăn hết đồ ăn dở ẹc tôi nấu nữa... Sẽ không còn nữa... Trên con đường làng dấu chân ông như vẫn còn in đấy, có phải ông vẫn dang đứng nhìn đứa cháu nhỏ của ông bước từng bước, đúng không ?

(Chi tiết về cuộc thi viết “Những mốc thời gian hạnh phúc” có thể xem tại đây. Hoặc gửi bài viết về địa chỉ email cuocthiviet.h2t@gmail.com)

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Có một mùa Hè chưa từng lãng quên: Cuốn sách “ôm” bạn bằng những câu chuyện tuổi trẻ

Có một mùa Hè chưa từng lãng quên: Cuốn sách “ôm” bạn bằng những câu chuyện tuổi trẻ

HHT - Bạn có cảm thấy mùa Hè rất giống tuổi trẻ không? Cả hai đều trôi qua thật nhanh và khó quên. Bằng những mẩu chuyện trong cuốn sách "Có Một Mùa Hè Chưa Từng Lãng Quên", hai cây bút trẻ xuất thân từ nhà Hoa là Minh và Sứa đã mang nhiều ký ức và thông điệp đáng giá gửi đến tuổi teen, cổ vũ bạn đọc vượt qua những chông gai cuộc đời.
Một thời để nhớ: Tình yêu của ba là "nhiên liệu" vĩnh cửu cho chiếc xe đạp diệu kỳ

Một thời để nhớ: Tình yêu của ba là "nhiên liệu" vĩnh cửu cho chiếc xe đạp diệu kỳ

HHT - Một đoàn xe lửa dài dằng dặc chạy rầm rầm, lao qua trong vài phút. Âm thanh đoàn tàu vang động mãi. Lần đầu tiên, tôi được nhìn thấy xe lửa thật ngoài đời. Tim tôi đập mạnh. Bỗng dưng, cả một thế giới hoàn toàn mới mẻ mở ra trước mắt con nhóc cưỡi trên chiếc xe đạp kỳ diệu.