Những mốc thời gian hạnh phúc: Thanh xuân của ông ngoại

Những mốc thời gian hạnh phúc: Thanh xuân của ông ngoại
HHT - Nếu tôi được trở về 50 năm trước, cũng ngay dưới mái trường cấp ba này thì chàng trai tuổi 17 tô vẽ vào thanh xuân của tôi những mảng màu mộng mơ, rực rỡ chắc chắn sẽ là ông ngoại tôi.

Ông ngoại tôi 67 tuổi, dáng ông gầy gầy, ông đi khập khiễng. Thời gian lấy đi mất màu xanh trên mái tóc xoăn Xuân Diệu của ông và trả lại cho ông những nếp nhăn hằn trên khuôn mặt. Ông hay đội mũ nồi, mặc chiếc áo com-lê cũ sờn màu tím than, trông hệt như một họa sĩ. Mà nói là họa sĩ cũng chẳng sai vì ông vẽ rất đẹp, viết chữ cũng rất đẹp, ông thông thạo cả tiếng Trung lẫn tiếng Pháp, giỏi thơ văn, tường sử địa, tinh thông toán học và biết cả về lý số.

Đó là ông ngoại trong mắt tôi. Là người có nụ cười hiền lành, phúc hậu; là người có vòng tay bao la mà ấm áp; là người đã đặt cho cái ngõ nhà tôi cái tên tiếng Pháp xịn đét “Mát-xi-lách”; là người phì cười khi thấy tôi tròn xoe mắt, chăm chú nghe ông phân tích thơ Xuân Diệu với thơ Nguyễn Bính; là người mang cả một bầu trời những câu chuyện, cả một bầu trời tri thức đặt vào tâm hồn tôi. Ông ngoại trong mắt tôi, là cả vũ trụ.

Những mốc thời gian hạnh phúc: Thanh xuân của ông ngoại ảnh 1

Ảnh minh họa: phim Chuyện tình cây sơn tra.

Bà ngoại tôi vẫn cười mỗi lần nghe tôi nói thế, bà bảo ông trong mắt bà không phải như vậy.

Ông ngoại trong mắt bà tôi, buồn cười thật, lại là một cậu học sinh cấp ba điển trai, cao ráo và trắng, là cậu con trai văn hay, chữ đẹp, toán giỏi lại còn đàn ghi-ta trong buổi lễ khai giảng của trường. Cậu học trò ấy vừa thông minh, học giỏi lại vừa nghịch ngợm, láu cá nên chẳng thầy cô nào trị được. Còn bà - vốn là cô bạn lớp trưởng ngoan hiền nên chẳng thể nào chịu nổi ông. Trong khi ông tôi cứ cố tình đùa cợt, giật mái tóc dài đen mượt của bà thì bà cũng không ngừng “nhắc nhở” bằng cách ghi tên ông vào sổ trực nhật. Và rồi trong một giờ toán, nhằm lúc ông đang nghí ngoáy vẽ vời, bà tôi bất ngờ tịch thu luôn cuốn sổ vẽ ấy. Và trên trang giấy còn chưa khô mực, bà tôi nhìn thấy bức tranh vẽ một cô gái tóc đen dài từ phía sau với đôi câu thơ của Xuân Diệu ghi nắn nót:

Yêu, là chết ở trong lòng một ít,

Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu?

Cho rất nhiều, song nhận chẳng bao nhiêu

Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết.

Bên dưới đề một dòng chữ nghiêng nghiêng “Tặng Hiền”.

Những mốc thời gian hạnh phúc: Thanh xuân của ông ngoại ảnh 2

Ảnh minh họa: phim Chuyện tình cây sơn tra.

Ông tôi nhập ngũ rồi, trong phong thư đầu tiên của ông gửi về cho gia đình có một lá thư gửi bà: “Hiền khỏe không? Hồi đi học mình vẫn hay trêu Hiền, đừng giận mình nhé! Giờ ở đơn vị cùng anh em, đôi lúc mình lại nhớ những ngày đó quá. Hiền nhớ giữ sức khỏe!”

Ngày ông tôi trở về, mang trên đầu vết sẹo to và cái chân khập khiễng, bà tôi đã chạy ra đón và ôm lấy ông.

Tôi nhìn thấy ánh nắng lấp lánh trong đôi mắt bà ngoại lúc bà kể cho tôi nghe những kỉ niệm ấy, thoáng ẩn hiện đâu đây tôi thấy hình ảnh cô học trò tóc đen dài và câu học trò nhanh nhẹn, láu cá cùng nhau bước dưới những tán phượng sân trường. Bà tôi như trẻ lại, trở về với khoảnh khắc bàn tay run run cầm cuốn sổ vẽ với mấy câu thơ nắn nót tô lên mối tình đầu tuổi học trò ngây thơ, trong sáng.

Những mốc thời gian hạnh phúc: Thanh xuân của ông ngoại ảnh 3

Ảnh minh họa: phim Chuyện tình cây sơn tra.

Văng vẳng tôi nghe thấy tiếng ghita ông ngoại đàn trong buổi khai trường... Những cảm xúc mật ong tinh khôi tuổi 17 của chúng ta đáng được trân trọng, chắt lọc cho vào một cái lọ thủy tinh mang tên “tuổi học trò” để một ngày nhiều năm sau đó, ai trong chúng ta mở nắp lọ ra đều có thể mỉm cười hanh phúc và thanh thản vì một thời thanh xuân ấy.

Sau đó, có lẽ trong mắt tôi, ông ngoại không chỉ còn là một vũ trụ tri thức nữa mà tôi còn thấy trong ông một lọ mật ong ngọt ngào, sóng sánh những giọt mật vàng lịm tuổi thanh xuân của ông bà ngoại. 

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Reply Y2K: Trái tim bí mật của cô bạn Bánh Cam "keo kiệt" của tuổi thơ tôi

Reply Y2K: Trái tim bí mật của cô bạn Bánh Cam "keo kiệt" của tuổi thơ tôi

HHT - Ba Bánh Cam mất sớm, má nó làm các loại bánh bột chiên, bỏ mối cho những người bán dạo. Có lần, Bánh Cam xách theo bọc bánh, mời bạn bè trong lớp. Mọi người xúm vô ăn. Mấy chục bánh nóng hổi hết sạch. Tới lúc đó, Bánh Cam mới dõng dạc: “Mỗi cái bánh 500 đồng. Trả tiền cho tui nha!”. Tụi bạn chưng hửng ngó nhau.
Reply Y2K: Trái tim lớn của "bác sĩ thú cưng" cấp xóm dành cho những con vật nhỏ

Reply Y2K: Trái tim lớn của "bác sĩ thú cưng" cấp xóm dành cho những con vật nhỏ

Đậu Ván vẫn ít nói, vẫn đeo kính và có lẽ vẫn mơ làm bác sĩ. Tớ nghĩ chẳng nghề nào hợp với cậu ấy hơn thế. Bởi những người có tính thương yêu thực sự, chẳng cần phô diễn ồn ào, luôn sẵn lòng cứu giúp những vật nhỏ nhất như Đậu Ván sẽ làm được rất nhiều điều tốt lành cho cuộc sống này.