Có lẽ khi nhắc đến Vladimir Nabokov, độc giả Việt Nam biết đến nhiều nhất tác phẩm nổi tiếng, hấp dẫn, nhưng cũng đầy tranh cãi Lolita của ông. Thực tế, sự nghiệp văn chương của nhà văn Nga trứ danh này có rất nhiều tác phẩm hay, với mỗi cuốn sách được ví như một hạt ngọc trai trân quý. Trong đó có Nói Đi, Ký Ức, cuốn sách xếp thứ 8 trong danh sách phi hư cấu hay nhất thế kỷ 20 của Randon House.
Nhà văn Nga Vladimir Nabokov. |
Không là tiểu thuyết, Nói Đi, Ký Ức là tác phẩm mang dáng dấp hồi ký - tự truyện của nhà văn kiệt xuất người Nga. Tác phẩm tập hợp những câu chuyện riêng lẻ xuất bản từ năm 1936 và được sửa đổi vào năm 1966. Những mẩu chuyện phần nào bật mí về cuộc đời thăng trầm và do đó cũng nhiều thú vị của Vladimir Nabokov.
Nói Đi, Ký Ức cho thấy một Vladimir Nabokov bên ngoài những trang tiểu thuyết. Thấy mối tương quan giữa ông và cha mình gắn với nghệ thuật, nhưng theo những hướng khác nhau. Và thấy hình bóng của mẹ ông dường như xuất hiện ở khắp nơi, từ chiến dịch Nga đến vùng Viễn Đông 1905, từ đảo chính chính trị đến quãng đời ly hương ở châu Âu.
Tác phẩm hé mở những hoài niệm có lúc ấm êm, có lúc dữ dội, có lúc như cái gai vẫn chưa gỡ ra được… của ông. Đồng thời cung cấp cho người đọc những hiểu biết sâu sắc hơn về những kiệt tác mà ông đã tạo ra: Lolita, Pnin…
Điều gì đã đắp nặn cho những trang viết của Vladimir Nabokov? Điều gì đã mài giũa những ngôn từ bay bổng và sắc bén, mơ mộng và mê đắm của nhà văn Nga trứ danh này? Nói Đi, Ký Ức sẽ phần nào giải đáp cho những thắc mắc ấy. Như trong những dòng hồi ký, Nabokov kể về niềm đam mê dành cho thơ ca của mình, kể về vần thơ đầu tiên.
“Ký ức” trong Nói Đi, Ký Ức là ký ức của Vladimir Nabokov, nhưng dường như cũng không hẳn là của riêng ông. Bởi đến một lúc, đọc đến bất kỳ một trang nào đó, có thể ký ức của người đọc, hay cảm xúc của người đọc bỗng hòa vào những câu từ của Vladimir Nabokov, rồi trở thành của riêng họ.
Mà ngay cả khi độc giả không có ý định tìm hiểu về Vladimir Nabokov ngoài văn chương của ông, hay đi tìm mình trong văn chương của ông, thì Nói Đi, Ký Ức cũng thật đáng đọc. Bởi từng câu, từng đoạn được viết đều thật tinh tế, như thể trăm mật hoa mới kết được một giọt mật ong óng ả, ngọt ngào. Và đối với một người thích đọc, không có gì vui sướng hơn thế nữa.