* Lưu ý: Bài viết có tiết lộ nội dung trong phim.
Cốt truyện trung thành với nguyên tác
Điểm cộng đầu tiên của One Piece live-action (bản người đóng) là phim vẫn giữ được tinh thần của nguyên tác, truyền tải đầy đủ thông điệp cốt lõi về tình bạn và đào sâu vào cuộc phiêu lưu theo đuổi giấc mơ - yếu tố đã làm nên thành công toàn cầu của bộ truyện gốc.
One Piece live-action cũng làm tốt việc khai thác các khía cạnh sâu sắc, tình tiết phức tạp trong cốt truyện và đưa nó lên màn ảnh nhỏ. Từ đó, người xem được đắm chìm vào câu chuyện quá khứ, khám phá tuổi thơ cũng như các cung bậc cảm xúc của nhân vật.
Vì thời lượng hạn chế nên một số chi tiết được bổ sung và lược bỏ sao cho phù hợp với 8 tập phim, nhưng vẫn được sắp xếp hợp lý, khéo léo giúp người mới xem One Piece vẫn có thể nắm bắt được tình tiết truyện.
So với bộ truyện gốc, Nami (Emily Rudd) và Zoro (Arata Mackenyu) có nhiều khoảnh khắc tương tác hơn, tạo ra "phản ứng hóa học" khiến khán giả tích cực “đẩy thuyền”. Đặc biệt, Usopp (Jacob Romero) được bổ sung tuyến tình cảm, điều gây bất ngờ với fan nguyên tác.
Dàn diễn viên đỉnh như "xé sách bước ra"
Với một loạt nhân vật đa dạng và độc đáo trong One Piece, việc tìm ra những diễn viên có thể thể hiện chân thực tính cách và ngoại hình của nhân vật là một thử thách. Vì thế, tác giả Eiichiro Oda đã đích thân tham gia vào quá trình tuyển chọn những gương mặt phù hợp nhất cho đứa con tinh thần của mình.
Các diễn viên được đánh giá sở hữu ngoại hình và thần thái rất giống với bản gốc. |
Nam diễn viên Nhật Bản Arata Mackenyu như được “đo ni đóng giày” cho nhân vật Zoro khi sở hữu ngoại hình điển trai, tài năng võ thuật điêu luyện. Iñaki Godoy mang đến hình tượng Luffy với tính cách ngây ngô, quả cảm, tràn đầy năng lượng.
Taz Skylar thành công thể hiện nét quyến rũ của chàng đầu bếp lãng tử Sanji, trở thành một đồng minh đáng tin của băng Mũ Rơm. Trong khi "thánh xạo" Usopp qua diễn xuất của Jacob Romero khiến người xem đồng cảm với câu chuyện quá khứ của nhân vật này.
"Bóng hồng" duy nhất trong băng hải tặc Mũ Rơm - Nami do nữ diễn viên Emily Rudd đảm nhận là điểm sáng trong bộ phim khi thể hiện một Nami cứng rắn, thông minh, cùng khả năng chiến đấu mạnh mẽ.
Bên cạnh nhóm diễn viên chính, dàn nhân vật phụ cũng được nhà sản xuất chăm chút từ diễn xuất đến hóa trang, sao cho đặc điểm riêng của từng nhân vật sát với nguyên tác nhất có thể.
Đầu tư “khủng” về bối cảnh, kỹ xảo
Nguyên tác One Piece xây dựng một thế giới hư cấu, với bối cảnh độc đáo và những phân cảnh hành động phi thực tế. Live-action của One Piece sở hữu hiệu ứng CGI hiện thực hóa các đảo hải tặc, thành phố, rừng rậm và sa mạc. Phim đầu tư xây dựng bối cảnh, hệ thống tàu và vũ khí chiến đấu, góp phần quan trọng trong việc đem đến cảm giác chân thực và không khí đặc trưng của One Piece.
Để tái hiện toàn bộ những yếu tố này trong phiên bản live-action, Netflix đã mạnh tay đầu tư khoảng 18 triệu USD (hơn 424 tỷ đồng) cho mỗi tập phim. Đây cũng là một trong những dự án chuyển thể đắt đỏ nhất Netflix từng phát hành.
Cảnh hành động trong bản chuyển thể được đánh giá có phần máu me, kinh dị hơn so với nguyên tác, nhưng chính điều này vô tình lại làm nên chất của "phim hải tặc". Khả năng đàn hồi của Luffy, phân cảnh chiến đấu không hề "bánh bèo" của Nami hay kỹ năng “múa kiếm” cực mượt của Zoro đều mang đến những pha hành động đầy mãn nhãn cho khán giả.
Sau khi công chiếu trên Netflix, One Piece live-action nhận được cơn mưa lời khen từ người hâm mộ và đánh giá cao từ giới chuyên môn. Tính tới hiện tại, bộ phim nhận được 83% điểm cà chua tươi trên Rotten Tomatoes và 8.6 điểm trên chuyên trang IMDb.
One Piece chính là lá bài giúp Netflix xoay chuyển tình thế, phá bỏ lời nguyền "bom xịt" sau hai tác phẩm chuyển thể thất bại là Death Note (2017) và Cowboy Bebop (2021). Với sự đón nhận tích cực của khán giả như hiện tại, khả năng cao Netflix sẽ sớm bật đèn xanh cho One Piece mùa tiếp theo.