Những nét vẽ này xuất phát từ bác Minh, một bác đã 74 tuổi nhưng vẫn còn mang trong mình niềm say mê cầm cọ. Bác Minh không muốn chia sẻ quá nhiều về mình, chỉ đơn giản khi cầm cọ lên trong đầu bác nghĩ gì thì vẽ đó. Bất chợt nhớ đến những câu thơ của nhà thơ Nguyễn Khuyến thì viết vào, khi thì thêm 1 - 2 câu tiếng Tây tiếng U như lời bác chia sẻ hoặc lượm lặt đâu đó hình ảnh gì hay ho thì bác cũng vẽ lại.
Vừa vẽ bác vừa dí dỏm nói: “Chú vẽ được 1-2 bức ở mấy bức tường trống rồi người ta thấy đẹp nên nhờ chú vẽ cửa trước nhà hay tường nhà, chú vẽ cho quán cơm thì được mấy bữa cơm, vẽ cho nhà khá giả một chú thì nhà người ta đưa chú tiền mua sơn với chút công. Chú vẽ cho cái am phật trong hẻm thì người ta cho chú nước tương, dầu, muối. Tại chú thích vẽ chứ đâu đòi hỏi công cán gì”.
Những bức tranh bác vẽ thường mang nhiều màu sắc và những hình ảnh thiên nhiên bởi theo bác ở Sài Gòn bây giờ khó có thể được nhìn những hình ảnh này như hồi xưa.
Những mảng tưởng trống bác Minh đã xin phép để vẽ tạo thành quan cảnh cho bà con lối xóm có chỗ ngồi nghỉ ngơi vào những buổi chiều.
Đâu đó những câu truyện cổ tích lại được bác Minh đem vào thổi hồn vào những bức vẽ của mình.
Những bức vẽ bác Minh vẽ giúp cho một cái am trong hẻm. Bác chọn hình tượng hoa sen đại diện cho sự thanh khiết, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Không chỉ hoa mai của tết Việt mà còn có hoa anh đào của Nhật Bản cũng được chú tái hiện ở những mảng tường cũ.
Đôi khi tâm hồn thư thái theo từng bức vẽ cũng được bác Minh thổ lộ bằng đôi ba câu thơ của nhà thơ Nguyễn Khuyến.
Những cảnh sắc thiên nhiên báo hiệu mùa Xuân cũng được bác Minh phác họa chân thật nhất.
Tết này nhà không cần mua cây mai vì đã có cây mai trên cửa.
Tiệm cơm “soái ca Dậu Dậu” sang chảnh nhất Sài Gòn là đây.
“An toàn thường còn lất khất dễ mất” đó nha!
PHƯƠNG THÙY