Teenie Startup: Làm sao để mở một tiệm đồ handmade xinh xắn của riêng bạn?

Teenie Startup: Làm sao để mở một tiệm đồ handmade xinh xắn của riêng bạn?
HHT - Những kinh nghiệm “rút ruột” từ chị chủ online handmade shop Phuong’s Roomy Room sẽ giúp bạn vẽ đường cho ước mơ của mình!

Lý lịch trích ngang

Phuong’s Roomy Room là một cửa hàng bán đồ lưu niệm handmade, với trang Instagram gần 22.000 người theo dõi. Một số mặt hàng “hot” của tiệm là planner, bao tập, exploding box... và các sản phẩm thuộc nhánh sống xanh (như bình cây terrarium, quai vải...). Roomie (tên thân mật của Phuong’s Roomy Room) hiện đang được “nuôi nấng” bởi chị Thục Phương (cựu học sinh THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM).

Teenie Startup: Làm sao để mở một tiệm đồ handmade xinh xắn của riêng bạn? ảnh 1

Gõ cửa tại: @phuongsroomyroom (Instagram/Facebook); @roomie.forpeace (Instagram/ Facebook). Địa chỉ offline đến mua hàng hoặc làm một bộ ảnh tại studio của Roomie: 113/10 Lê Đức Thọ, P.17, Q.Gò Vấp, TP.HCM.

Dấu hiệu cho thấy bạn có tiềm năng mở shop handmade

Nhiều bạn quan niệm để có một shop bán đồ handmade thì phải thật khéo tay, không hẳn!

Nếu bạn đã không khéo léo, thì hãy làm đồ handmade thật khác biệt. Lên cấp Hai, mỗi dịp Giáng Sinh, chị cắt giấy tập làm bốn phần, mỗi phần là một tấm thiệp, viết lời chúc lên đó, gửi cho cả lớp. Giấy tập kẻ ô ly mà làm thiệp thì nhìn “bèo nhèo” lắm, nên để làm “dân tình” “bấn loạn”, chị buộc phải “đầu tư” về phần nội dung.

Lần nào ghi “thiệp”, chị cũng lôi những điểm tốt nho nhỏ nhưng đặc biệt của từng đứa ra để ghi vào, ví dụ như: “Cố gắng được vào đội tuyển nha, tao thấy mày hay học bài trong giờ ngủ lắm, nên tao tin mày sẽ làm được”…

“Nuôi shop” như “nuôi con” - Phải mạnh mẽ như một “người mẹ”!

Xây dựng một shop giống như nuôi một đứa con tinh thần. Có đủ chuyện vui, buồn, và để “chiến đấu” với những khó khăn, bạn cũng cần những “bí kíp”:

“Bí kíp” 1: “Không có ai bán hàng giỏi mà hiền”

Đó là câu nói của bạn thân chị. “Không hiền” không phải là “dữ như cọp”, mà là phải tự tin, không bỏ cuộc.

Teenie Startup: Làm sao để mở một tiệm đồ handmade xinh xắn của riêng bạn? ảnh 2

“Không hiền” còn là tự đặt ra quy tắc để giữ vững shop. “Mất lòng trước, được lòng sau”, ban đầu chị cả nể chưa lấy tiền đặt cọc, có bạn đặt hàng rồi hủy nhưng không nói thẳng. Lần thứ hai đi giao, bạn í hẹn chị chờ ở quán trà sữa rồi sau đó chặn điện thoại và Facebook chị à mất cả tiền, công sức, thêm “quả bonus” ngộ độc trà sữa. Từ đó chị rút kinh nghiệm: Đã kinh doanh thì phải có nguyên tắc vận hành chuyên nghiệp.

“Bí kíp” 2: “Bán mai” cho các nhà cung cấp

Để tìm được nguyên vật liệu handmade tốt nhất, bạn có thể tham khảo các “phố” bán đồ ở đường Võ Văn Ngân (Thủ Đức), đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.3)… chuyên bán đồ cho sinh viên Kiến Trúc, Mỹ Thuật ở TP.HCM. Vì bán cho sinh viên nên giá cả cũng phải chăng.

Cách chị làm thân với cửa hàng: Bắt chuyện, chia sẻ một chút về shop của mình, chủ cửa hàng sẽ để mắt và cho bạn giá ưu đãi vì bạn sẽ tạo ra doanh thu lâu dài cho họ. Đây là tình huống “đôi bên cùng có lợi” nên họ sẽ nắm bắt ngay thôi.

Nguyên vật liệu handmade rẻ, nhưng thành phẩm handmade có giá cao là vì để làm ra sản phẩm đẹp từ nguyên liệu thô là không dễ. Đây là một bảng tính (gần đúng) đang được áp dụng cho một chiếc exploding box của shop mà bạn có thể tham khảo:

Giá nguyên vật liệu trung bình: 20.000 đồng

“Chất xám” thiết kế - chiếm 10% doanh thu (giá bán) sản phẩm: 43.000 đồng

Tiền thù lao trả cho cộng tác viên làm hộp: 110.000 đồng

Tiền dùng để tái đầu tư (mua thêm nguyên vật liệu mới): 20.000 đồng

Tiền quảng cáo (10% doanh thu sản phẩm): 43.000 đồng

Tiền ship trung bình: 25.000 đồng

Phí giải quyết khiếu nại (*): 22.000 đồng

Tiền tư vấn: 15.000 đồng

Vậy tổng chi phí là: 298.000 đồng

Giá bán (Doanh thu): 430.000 đồng

Lợi nhuận (doanh thu trừ chi phí): 132.000 đồng

Buôn bán chứa rất nhiều rủi ro nên phần giải quyết khiếu nại (*) rất cần thiết. Khi nhận hàng, có thể khách không hài lòng, đòi sửa, đòi hoàn lại tiền... sẽ tiêu tốn của bạn một khoản tiền để sửa nó.

Teenie Startup: Làm sao để mở một tiệm đồ handmade xinh xắn của riêng bạn? ảnh 3

“Bí kíp” 3: Có một (số) mặt hàng độc quyền, có khả năng viral

Roomie có một sản phẩm như vậy, gọi là Bao Tập Ghi Tên. Mỗi mùa tựu trường tới, Roomie đều có một “cơn lũ” đơn hàng giấy bao tập.

Cảm hứng hàng độc quyền có thể đến từ những thứ gần gũi nhất. Khi học lớp 12, khi ôn thi đại học, mỗi lần nhìn cuốn tập chỉ muốn “gục ngã”. Chị dán kín các giấy note đủ màu lên bìa vở, ghi chuyện vui của lớp vào đó mỗi ngày như ghi nhật ký. Mỗi lần học mệt, chị sẽ gấp cuốn vở lại để đọc các chuyện vui trên bao tập, xả “xì-trét”. Chị thậm chí “nghiện” việc vẽ bao tập hơn kể từ khi crush thấy cuốn vở của chị, rồi đòi chị vẽ bao tập cho cuốn vở Vật lý của cậu í.

Khi quyết định bán giấy bao tập ở Roomie, sau khi nghiên cứu và thiết kế lại, chị đúc kết được công thức viral như sau:

Sản phẩm viral = Cần thiết + Độc quyền + Có số lượng khách hàng tiềm năng đông + Có thiết kế “hợp nhãn” với khách hàng tiềm năng

Giá cả ở đây không phải là “nguyên liệu” thiết yếu bởi nếu khách hàng thích thì dù giá cao vẫn có thể chi trả được.

“Bí kíp” 4: Không bao giờ hạ tiêu chuẩn

Tham khảo nhiều shop, chị thấy giá dao động rất “mãnh liệt”: Cùng một loại, cùng độ xinh đẹp và chất lượng, nhưng có shop bán 500K, có shop bán 150K.

Shop bán đắt định giá sản phẩm ở mức “quý tộc”, khách hàng cũng sẽ có cảm giác “sang” hơn. Khi mua hàng, khách còn mua cả trải nghiệm.

Teenie Startup: Làm sao để mở một tiệm đồ handmade xinh xắn của riêng bạn? ảnh 4

Chị cũng bị nhiều bạn chê bán bao tập đắt (10 - 40K/ tờ), nhưng chị không giảm giá vì biết giá trị của nó ở đâu. Kim Chi (trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM) mua bao tập của chị hồi đầu năm học này chia sẻ: “Mới đầu khi được báo giá giấy bao tập mình cũng hơi sốc. Nhưng sau khi nhận bao tập thì mình hiểu lý do: Thiết kế ưng ý, giấy bao dày, tốt, đã vậy còn được thiết kế riêng cho từng người nữa”.

“Bí kíp” 5: Hãy để những “chuyên gia” giúp bạn

Lúc mới bán, chị “cân cả thế giới”: Quảng cáo, tư vấn khách hàng, làm hàng, giao hàng, nghe khách khiếu nại nên lúc nào cũng cáu bẳn. Sau chỉ 3 tháng, chị sụt mất 6 kí, có lần còn bị tụt đường huyết khi đang đi gửi hàng.

Để bảo vệ bản thân và duy trì chất lượng phục vụ, chị quyết định tuyển cộng tác viên giỏi nhất (bằng cách đăng Instagram và Facebook shop) trong lĩnh vực của họ, trả tiền theo chất lượng sản phẩm. Chị đóng vai là người đứng ngoài, điều chỉnh mọi thứ đi theo đúng hướng, đúng phong cách mình muốn.

Bạn cũng nên nghiên cứu thật kĩ dịch vụ giao hàng nào có chính sách phù hợp với shop bạn (như cho khách thử/ xem hàng, ứng trước tiền cho bạn, miễn phí tiền ship không thành công...).

“Bí kíp” 6: Hoàn thiện “đứa con” mỗi ngày

Chị hay trốn biệt trên thư viện để tìm đọc những cuốn về quảng cáo, kinh doanh, quản lý nhân sự, luật có liên quan đến kinh doanh và phát hiện hàng đống thứ hay ho cho “đứa con tinh thần” của mình.

Chị thường xuyên chia sẻ quá trình trưởng thành của Roomie trên Instagram, từ đó tớ có nhiều khách hàng trung thành. Có một câu nói rất nổi tiếng: Don’t be a copycat (Đừng làm kẻ bắt chước). Bởi vì bản thân bạn sẽ làm ra một câu chuyện riêng chỉ shop bạn mới có, và khách hàng sẽ yêu quý câu chuyện đó của bạn.

Theo Hoa Học Trò
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm