Hồi Ký Bà Tùng Long
Người đọc miền Nam cuối những năm 50 tới đầu những năm 70 quen với cây bút của nhà văn, nhà báo nữ Tùng Long. Bà nổi tiếng ở các truyện gọi là tâm lý xã hội cũng như các mục giải đáp tâm sự của bạn đọc nữ trên các báo hàng ngày hoặc định kỳ. Với bà, “viết là niềm vui muôn thuở của tôi…”, bà đã có trên 60 đầu sách được xuất bản từ năm 1956 - 1972.
Sau năm 1975, nhiều tác phẩm của Bà Tùng Long đã được tái bản và in mới. Phần lớn các tiểu thuyết của bà đề cập đến thân phận người phụ nữ, ca ngợi tình yêu. Trong Hồi Ký Bà Tùng Long với hơn 350 trang, ngoài những chuyện văn chương, viết lách của một nữ sĩ, cả một giai đoạn lịch sử - chủ yếu là ở Sài Gòn - với nhiều biến động được sống dậy qua ngòi bút của bà.
Một số tác phẩm nổi tiếng của Bà Tùng Long có thể kể đến: Hồng Nhan Đa Truân, Đường Tơ Đứt Nối, Người Xưa Đã Về, Một Thoáng Mây Bay, Những Ai Gieo Gió, Người Của Oán Thù...
Hồi Ký Nghệ Sĩ Kim Cương: Sống Cho Người - Sống Cho Mình
Vào giữa thập niên 1950, giới mộ điệu sân khấu kịch nghệ, cải lương miền Nam bùng nổ cái tên được giới Ký giả đề tặng “Kỳ Nữ” không ai khác chính là Nghệ Sĩ Kim Cương - Cô Đào bi đa tài của nền “ẩm thực sân khấu” lúc bấy giờ và được đón nhận hết sức nồng nhiệt.
Đã qua nhiều thập kỷ, giới mộ điệu sân khấu, có người sinh cùng thời, cũng có những thế hệ trẻ sau này, có người biết nhiều, cũng có người chỉ còn nghe đến những cái tên đã trở thành biểu tượng như Lá Sầu Riêng, đến Trà Hoa Nữ hay thậm chí là Lan và Điệp thì sẽ nghĩ ngay đến Kim Cương, như một phản xạ vô điều kiện.
Tưởng chừng là đơn giản, những phải đến khi trải qua quá nửa cuộc đời, có nhọc nhằn nghiệt ngã, có hạnh phúc nở hoa, Nghệ sĩ Kim Cương mới thật sự muốn viết lại cuốn hồi ký - chút chương sử của cuộc đời mình. Trong Hồi Ký Nghệ Sĩ Kim Cương: Sống Cho Người - Sống Cho Mình, Người “Kỳ Nữ Kim Cương” thay giới mộ điệu, tự nói về mình, bằng mảnh ghép chân thật nhất.