Thầy giáo Lalan Kumar, 33 tuổi, dạy môn Văn học Hindi ở một trường đại học tại Bihar (Ấn Độ), mới đây đã quyết định trả lại 33 tháng tiền lương, tổng cộng là 2,4 triệu rupee (hơn 706 triệu đồng). Lý do thầy đưa ra là học sinh không đến lớp học (có lẽ đây là môn học không phải thi nên mới có chuyện thế này?).
Với một số người, nếu cứ được nhận lương mà chẳng phải làm việc thì đúng là một giấc mơ trở thành hiện thực, nhưng thầy Kumar lại không cảm thấy như vậy. Thầy thấy khá thất vọng về việc sinh viên không đến học môn của mình, nên hy vọng mình có thể được chuyển sang dạy ở trường khác.
Thầy Kumar. Ảnh: NDTV. |
Việc làm của thầy Kumar thu hút rất nhiều sự chú ý ở Ấn Độ, khiến nhiều người đặt câu hỏi rằng vì lý do gì mà sinh viên không đi học trong khoảng thời gian dài như vậy mà nhà trường không có biện pháp nào.
Về phía nhà trường, việc thầy Kumar trả lại tiền lương tưởng như là một việc tốt cho trường, nhưng hóa ra trường kiên quyết không nhận lại tiền. Phó Hiệu trưởng nhà trường nói rằng chẳng có điều khoản nào cho phép giáo viên trả lại tiền lương cả. Hơn nữa, nhà trường cho rằng những gì thầy Kumar nói là không chính xác, vì thực tế là do đại dịch nên môn của thầy Kumar không có giờ học offline, chứ không phải là lớp học vẫn hoạt động bình thường mà sinh viên không đến học.
Ngược lại, thầy Kumar nói: “Lương tâm không cho phép tôi nhận lương mà không dạy học. Ngay cả trong những giờ học online cũng chỉ có vài sinh viên có mặt”.
Thầy nói thêm: “Nếu tôi cứ nhận lương thế này mà chẳng dạy gì trong khoảng 5 năm, thì coi như chết về mặt chuyên môn”.
Một lớp học ở trường đại học tại Ấn Độ. Ảnh: Liz Jones/ Know Photo. |
Hiện ban lãnh đạo nhà trường nói họ sẽ xem xét kỹ để biết sự việc đúng sai ra sao, liệu có chuyện nhiều sinh viên không đến học khi lớp vẫn được tổ chức hay không.