Theo Tiến sĩ Phạm Như Nghệ, năm 2019 và các năm tiếp theo kỳ thi THPT quốc gia tương đối ổn định và dần theo hướng ngày càng nhẹ nhàng với xã hội, với phụ huynh và học sinh nhưng vẫn bảo đảm trung thực, khách quan và an toàn.
Kết quả kỳ thi quốc gia là một trong các căn cứ để xét công nhận tốt nghiệp THPT và các trường đại học, CĐSP, TCSP có thể sử dụng làm một trong các căn cứ để xét tuyển vào đại học, CĐSP, TCSP.
Trong tương lai, khi chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới được đưa vào giảng dạy, cùng với đó là việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học theo hướng tăng cường tự chủ thì mới có sự thay đổi lớn về phương thức tổ chức kỳ thi này.
Ông Nghệ cho hay, các trường ĐH, CĐSP, TCSP có thể tổ chức nhiều đợt tuyển sinh trong năm, báo cáo Bộ GD&ĐT kết quả tuyển sinh trước ngày 31/12 hàng năm. Các trường công khai đầy đủ thông tin về công tác tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của trường. Xét tuyển trên cơ sở năng lực của trường đã cong khai trong đề án tuyển sinh.
Trong kỳ thi THPT quốc gia 2019, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong kỳ thi THPT quốc gia và trong xét tuyển vào ĐH, CĐSP, TCSP để đảm bảo công khai, khách quan, công bằng.
Chia sẻ với thí sinh, ông Nghệ cho rằng, thí sinh được phát huy tối đa năng lực sở trường, không giới hạn nguyện vọng chọn trường, chọn ngành, tổ hợp. Thí sinh đăng ký dự thi tại trường THPT (nơi đang học).
Đối với thí sinh tự do đăng ký dự thi tại một nơi do Sở GD&ĐT quy định riêng cho đối tượng thí sinh tự do tại địa phương (đăng ký theo mẫu phiếu đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển vào ĐH, CĐSP, TCSP). Mỗi thí sinh được cấp một mật khẩu và tài khoản riêng.
Sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển vào ĐH, CĐSP, TCSP (chỉ điều chỉnh một lần, trong thời gian quy định), điều chỉnh trực tuyến hoặc bằng phiếu (khi xét tuyển các trường không phân biệt thứ tự nguyện vọng của những thí sinh xét tuyển vào cùng một ngành, cùng một hợp).