Theo bảng thống kê 11 thí sinh có điểm cao nhất kỳ thi THPT Quốc gia 2018 của Bộ GD&ĐT, hai thí sinh đến từ Sơn La. Trong đó, thí sinh B.N. có điểm thi 6 môn lần lượt như sau: Toán 9,8; Ngữ văn 8,75; Lịch sử 7,5; Địa lý 8,25; Giáo dục Công dân 8; Tiếng Anh 9,8.
Mới đây, mạng xã hội đăng tải bảng điểm thi thử khá thấp của B.N. Theo bảng điểm thi thử diễn ra vào tháng 3 được đăng tải trên trang web của trường THPT chuyên Sơn La, B.N. có điểm Toán: 5; Ngữ văn: 4; Tíếng Anh: 1,2; Lịch Sử: 6,25; Địa lý: 6,25; Giáo dục Công dân: 5,25.
Điểm thi thử Tiếng Anh của nữ sinh chỉ là 1,2 nhưng điểm thi thật lên tới 9,8.
Trước đó, học cùng trường với B.N. là N.D. có điểm thi 6 môn: Toán 9,6; Ngữ văn 9,0; Lịch sử 10; Địa lý 8,25; Giáo dục Công dân 7,5; Tiếng Anh 10. Điểm trung bình 9,05.
Điểm thi thử hồi tháng 3 của thí sinh này là Toán 6,4; Ngữ văn 6,5; Tiếng Anh 5,8; Lịch sử 5,5; Địa lý 4,25; Giáo dục Công dân 5,5. Điểm trung bình 5,08.
Trả lời phỏng vấn báo chí, thầy Nguyễn Bình Long - Phó Hiệu trưởng trường THPT chuyên Sơn La, tỉnh Sơn La cho biết đây không phải lần đầu trường chuyên của tỉnh có học sinh được điểm cao như vậy. Năm ngoái, nhà trường có 10 em đạt 28,8 điểm.
Thầy Lò Thanh Sơn - giáo viên chủ nhiệm lớp của N.D. cũng chia sẻ, N.D học đều các môn, không phải học giỏi nhất lớp nhưng thuộc top đầu (5-7 học sinh). Điểm tổng kết trung bình năm lớp 12 của N.D. khoảng 8,4.
Thầy Lò Thanh Sơn lý giải bảng điểm đó cách thời gian thi thật khá lâu (khoảng 17/3), vì vậy, khi D. đầu tư chú trọng vào các môn điểm số sẽ cao lên.
Chia sẻ về quan điểm trên, bà Trần La Giang, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Sơn La, cho biết trường chỉ tổ chức thi thử một lần vào tháng 3. Vì thời gian thi sớm, đề thi thử yêu cầu khó hơn nên khoảng cách giữa thi thử và thi thật lớn.
"Từ lúc thi thử đến lúc thi thật là thời gian khá dài. Mức độ các thầy cô yêu cầu rất cao. Kể cả điểm 9 thi thử cũng rất hiếm. Các thầy cô cũng muốn cho các con có động lực để cố gắng nên ra đề khó, tạo khoảng cách xa với thi thật" - bà Giang nói.