Do ảnh hưởng của bộ phận không khí lạnh này, khoảng chiều tối và đêm 22/2, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến khu vực phía Đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Từ tối và đêm 22/2 gió trong đất liền chuyển hướng Đông Bắc mạnh cấp 2-3.
(Ảnh minh hoạ từ Internet) |
Từ ngày 23/2, ở khu vực phía Đông Bắc Bộ, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình và Thanh Hóa trời chuyển lạnh, vùng núi có nơi rét trời rét. Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất ở những khu vực trên phổ biến từ 17-20 độ C, khu vực vùng núi Bắc Bộ từ 15-17 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 12 độ C.
Sau đó đến khoảng ngày 26/2, không khí lạnh được tăng cường khiến nền nhiệt tiếp tục giảm thấp và chuyển trạng thái rét khô.
Trên biển, từ đêm 22/2, ở khu vực phía Bắc vịnh Bắc Bộ có gió Đông Bắc mạnh cấp 5, sóng biển cao 1,5-2,5m; vùng biển phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao 2,0-4,0m, biển động.
Từ đêm 22-24/2, khu vực Bắc Bộ có mưa và mưa nhỏ. Từ ngày 23-24/2, khu vực Bắc Trung Bộ có mưa, mưa rào rải rác và có nơi có dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Gió mạnh và sóng lớn trên biển có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của tàu thuyền và các hoạt động khác.
Mưa giông kèm theo các hiện tượng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng.
Trong khi đó, nắng nóng tiếp diễn ở Nam Bộ. Một số khu vực như Biên Hòa (Đồng Nai) ghi nhận mức nhiệt cao nhất lên đến 37 độ C.
Cơ quan khí tượng dự báo hiện tượng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có xu thế giảm dần vào các ngày cuối tuần, độ mặn tại hầu hết các trạm ở mức lớn hơn so với độ mặn cao nhất tháng 2/2023.