“Nguyên liệu” cho một bài viết hay
Nấu một món ăn ngon cần phải có nguyên liệu đúng và đủ, một bài viết hiệu quả cần đảm bảo hai yếu tố quan trọng đó là ngôn ngữ và thông tin. Chị Băng Giang, tác giả best-seller với những tựa sách nghìn bản Nhất định không quên cậu, Sau lưng một vạt nắng… với bút danh Fuyu đã khởi động buổi học bằng những đoạn truyện ngắn hài hước.
Chị Băng Giang - tác giả sách được các bạn trẻ yêu mến. |
Thông qua những ví dụ minh hoạ vô cùng sống động, chị Băng Giang chia sẻ: “Trước khi bắt tay vào viết bài, các bạn cần xác định phong cách viết nào sẽ phù hợp với thông tin mình muốn truyền đạt và đối tượng đang hướng đến, phải “đúng người, đúng ngôn ngữ” thì độc giả mới có thể “bắt sóng” được với bài viết”.
Một bài viết học đường với ngôn ngữ vui tươi cùng những câu chữ bắt trend sẽ thu hút được bạn đọc Gen Z. Các tác phẩm truyện ngắn “thanh xuân vườn trường” cần ngôn từ nhẹ nhàng, lãng mạn, vui buồn trọn vẹn thì mới có thể khiến độc giả “lụy” theo mạch cảm xúc của truyện.
Chia sẻ về thời còn là “tấm chiếu mới”, chị Băng Giang kể: “Lúc đi học, chị từng “tranh cãi” với giảng viên về việc nên hạn chế thông tin trong bài viết vì chị nghĩ rằng nếu không viết hết A đến Z thì làm sao người đọc hiểu được. Mãi sau này khi có cơ hội làm việc thực tế thì mới thấm thía câu “cãi thầy núi đè”. Bởi nếu cố gắng cho quá nhiều thông tin vào bài viết sẽ dẫn đến hiện tượng người đọc bị “ngộp” và hoang mang”.
Chị Băng Giang khuyên chỉ nên chọn một góc, khía cạnh của thông tin để khai thác một cách cụ thể và trọn vẹn thì bài viết mới đem lại giá trị cho độc giả.
Chủ đề hay không bằng góc nhìn lạ
Chị Ngọc Trâm (Jolie Táo), biên tập viên chuyên mục Tâm lý của Hoa Học Trò, đã sử dụng mô hình tam giác ngược để các thí sinh hình dung rõ hơn về cách chọn lọc thông tin cho bài viết. Chị Táo nhấn mạnh rằng các bạn nên đưa thông tin quan trọng nhất lên đầu bài viết, tiếp đến là những nội dung cụ thể nhằm giải thích rõ hơn về vấn đề. Sau cùng mới là những thông tin bên lề để bài viết thêm phần “bánh cuốn”.
Chị Ngọc Trâm (Jolie Táo) - Biên tập viên chuyên mục Tâm lý của báo Hoa Học Trò. |
Để có được một bài viết “triệu tim” thì phải bắt đầu từ việc chọn được đề tài đủ hấp dẫn đối với độc giả. “Thời sự (thú vị)”, “có tính ảnh hưởng” và “mới” chính là 3 từ khóa để chọn đề tài. Công thức thường được sử dụng nhiều nhất để bài viết nhận được lượt tương tác cao chắc chắn là viết về đề tài có tính thời sự và đang là chủ đề hot được bàn tán sôi nổi, ngoài ra cần phải đảm bảo chắt lọc chi tiết có liên quan đến độc giả, có thể mang lại sự đồng cảm hoặc khiến độc giả cảm thấy có ích sau khi đọc bài viết chính là từ khóa “có tính ảnh hưởng”.
Học xong các bạn còn được chơi mini game siêu vui để ôn lại bài ngay tại lớp. |
Các bạn thí sinh đặt câu hỏi cho diễn giả. |
Để cho “ra lò” một bài viết thành công, người viết cần phải đảm bảo tính khách quan, hạn chế đưa những quan điểm hay lời nhận xét “phiến diện” của bản thân. Cần phải lắng nghe, quan sát để có những phân tích và hiểu rõ góc nhìn chung của độc giả.
Hai diễn giả cùng các thi sinh tham gia cuộc thi. |
Thử Thách Kim Cương 2023 - Cuộc thi tìm kiếm và phát triển các anh tài báo chí - truyền thông do Báo Hoa Học Trò và Cơ quan Giáo dục New Zealand (ENZ) tổ chức. Tìm hiểu thêm về cuộc thi tại đây.