Vừa qua, học sinh khối 12 trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) đã nghẹn ngào chào tạm biệt mái trường thân yêu và những người bạn sau hơn 1.000 ngày gắn bó. Buổi Lễ Trưởng thành của khóa 2015 - 2018 ngập tràn trong xúc cảm, có nụ cười, niềm vui, có nỗi buồn và cả nước mắt.
Thật may mắn khi các “phó nháy” đã kịp thời bắt trọn từng khoảnh khắc đáng nhớ ấy. Thế nhưng câu chuyện bắt đầu khi những bình luận khiếm nhã, dung tục với nội dung: Chê cười các bạn quá trẻ con, khóc lóc nhiều nhưng ngày họp lớp lại chẳng thấy ai,... xuất hiện trên group kín trên mạng xã hội.
Có thể thấy, những bình luận này thu hút được nhiều lượt react và phản hồi, phần lớn đều dựa trên kinh nghiệm của các anh chị đã tốt nghiệp lâu năm - từng dự nhiều lần họp lớp “vắng vẻ” làm dẫn chứng.
Ngay sau đó, teen THPT chuyên Lê Hồng Phong đã “đáp trả” lại vô cùng văn minh, dễ thương nhưng cũng rất đỗi mạnh mẽ bằng hashtag #Tôiđãkhócvàongàyratrường. Bình luận của Thu Doan - cựu học sinh trường nhận được nhiều ủng hộ.
Lời chia sẻ của tác giả trong bài đăng:
“Mấy hôm nay mấy em LHP khoá 15-18 ra trường, ngày cuối cùng ở LHP luôn là ngày cảm xúc nhất, đáng nhớ nhất và dĩ nhiên, cũng sẽ đầy nụ cười và nước mắt nhất trong số hơn 1.000 ngày ở LHP. Đồng Khởi LHP đã từ lâu trở thành 1 truyền thống, một thương hiệu LHP thu hút rất nhiều báo chí đến ghi hình và chụp ảnh. Trong số các trang báo mạng đăng tải hình ảnh Xoáy 2018, page KSC đã đăng tải những hình ảnh đầy xúc động của các em 1518, và dưới phần bình luận đã có những bình luận rất khiếm nhã, dung tục, lời lẽ nặng nề nhằm vào chính các em LHP 1518 mới ra trường. Đa số các bình luận đó đều nhắm chung một ý nói rằng ra trường có thể khóc ghê gớm lắm nhưng đi họp lớp sau này thì sẽ chả có ai đi cả. Mọi người lấy cái thế “người đi trước”, “từng trải” để chê cười các em, bảo các em ngu ngốc, trẻ con và rất nhiều điều khác nữa. Các em 1518, như một phản ứng rất tự nhiên, đã phản biện lại những công kích trên bằng hashtag #Tôiđãkhócvàongàyratrường với những chia sẻ rất dễ thương nhưng cũng mạnh mẽ bảo vệ quan điểm của mình.”
Ngoài ra tác giả bài viết còn dẫn chứng thêm Backfire Effects - Hiệu ứng phản tác dụng để làm rõ quan điểm của mình.
“Gần 2000 người like cho những bình luận “khóc cho cố” “họp lớp không có đứa nào” bla bla bla là 2000 người thực sự tin vào điều đó và mình tin rằng trong số họ đã có người trải qua việc họp lớp không có ai đến nên họ mới nói quan điểm như vậy. Nhưng điều đó có nghĩa là họ đúng? 2000 con người đó, có bao nhiêu người đã và đang là học sinh LHP, để biết được rằng tinh thần LHP là như thế nào, để hiểu được rằng 3 năm ở LHP đối với chúng ta đáng quý ra sao. 2000 con người đó, bao nhiêu trong số họ đã từng tham dự Vươn Lên, LHVHDG, Festival, Đồng Khởi, Hạ Về, 90 năm Petrus Kí- LHP? Bạn nói mình nghe thử? 2000 con người đó, và hơn thế nữa, có những trải nghiệm cuộc sống khác với của mình, của bạn, của dân LHP. Mình làm CLB Nhiếp ảnh Lumiere, mỗi lần up hình sự kiện là trên dưới một ngàn tấm hình mà đôi lúc mình thấy nó còn chưa đủ để truyền tải hết những dư âm, kí ức từ sự kiện đó. Thì thử hỏi làm sao vài dòng ngắn ngọn trên MXH có thể cho những người chưa từng biết LHP cảm nhận đc tình cảm chúng ta dành cho dân LHP là ntn? Mình đố họ biết LHP là viết tắt của từ gì (tất nhiên không nói đến Lê Hồng Phong ,-,) Nhưng trải nghiệm khác nhau không đồng nghĩa với việc mọi người có quyền xúc phạm, châm chọc tình cảm của người khác.
Không chỉ có các cư dân mạng, các cựu học sinh của trường cũng bày tỏ quan điểm của mình trong sự việc này. Bạn Khánh An - Sinh viên ĐH Luật TP.HCM, cựu học sinh Lê Hồng Phong khóa 2014 - 2017 cho biết: “Theo mình thì việc các em bày tỏ cảm xúc của mình, sống với những kỉ niệm tuổi học trò rất đáng quý. Không nên bình luận theo hướng tiêu cực như thế!”
Ai cũng có một hồi ức thanh xuân riêng. Dù biết rằng tương lai sẽ khó vẹn nguyên xúc cảm như khoảnh khắc tuyệt vời khi chia ly, nhưng chúng ta nên tôn trọng những cảm xúc riêng của người khác.