Do phổ điểm cao, điểm chuẩn các ngành hot ở những trường tốp đầu lên tới 27 điểm trở lên. Trong tốp các trường tuyến giữa, điểm chuẩn từ 15 điểm trong kỳ tuyển sinh năm ngoái cũng “vọt” lên đến 24 điểm trong kỳ thi năm nay là mức tăng kỷ lục của ngành Luật trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.
Đa số các ngành có mức điểm chuẩn tăng cao đều nằm trong danh sách xu hướng nghề nghiệp được Gen Z ưa chuộng. Vì thế, teen cần cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn 1 trong 5 khối ngành sau đây:
1. Ngành Sư phạm
Là một trong những ngành có điểm chuẩn cao nhất mùa tuyển sinh đại học năm 2021, ngành Sư phạm được nhiều gia đình định hướng và khuyến khích teen theo đuổi. Trong bối cảnh học phí các trường ĐH tăng thì các ngành Sư phạm lại được hưởng nhiều ưu đãi, thậm chí đi học còn được nhận "lương" khiến ngành này càng hot hơn bao giờ hết.
Đa số các nguyện vọng đào tạo giáo viên của trường ĐH Sư phạm TP.HCM đều dao động từ 25 đến 27 điểm. Đặc biệt, trường ĐH Hồng Đức cũng gây “choáng” với điểm chuẩn của ngành Sư phạm Ngữ Văn Chất lượng cao là 30,5 điểm cho khối C00.
Ảnh minh họa từ Internet. |
Dự đoán điểm chuẩn của khối ngành Sư phạm sẽ luôn nằm trong mức cao. Tuy nhiên, ngành Sư phạm lại là ngành có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong năm 2018, chiếm đến 19%. Chính vì vậy, teen nên cân nhắc kỹ lực học của mình và các yếu tố khác khi định theo ngành này.
2. Khối ngành Công an - Quân đội
Khối ngành Công an - Quân đội một lần nữa “gây sốt” với mức điểm chuẩn gần như tuyệt đối trong mùa tuyển sinh năm nay. Điểm chuẩn ngành Nghiệp vụ An ninh của Học viện An ninh Nhân dân cao nhất với 29.99 điểm. Điểm chuẩn Học viện Cảnh sát Nhân dân đối với nữ ở ngành Nghiệp vụ Cảnh sát là 29.75. Các ngành còn lại đa số có điểm chuẩn từ 28 điểm trở lên.
Đây được xem là nhóm ngành chưa bao giờ "hạ nhiệt". |
Khối ngành Công an - Quân đội được coi là nguyện vọng truyền thống của các “học bá”. Với mức điểm chuẩn tăng cao qua các năm và vẫn chưa có xu hướng giảm, teen cần cân nhắc kỹ càng nếu có ý định theo đuổi, và có thể tìm hiểu các phương thức xét tuyển khác để "chắc suất" ở những khối ngành này.
3. Khối ngành Kinh tế - Luật
Hiện tại, các ngành về Kinh tế, Thương mại vẫn là lựa chọn hàng đầu của nhiều Gen Z. Có thể thấy, dù điểm chuẩn trường ĐH Kinh tế TP.HCM không có nhiều biến động so với năm ngoái - từ 25 đến 27.75 điểm, nhưng điểm chuẩn vẫn nằm ở mức cao.
Đối với ĐH Ngoại Thương, teen cũng cần đạt trung bình 9.5 điểm mỗi môn để có thể trúng tuyển. Ngành Luật Thương mại quốc tế của Đại học Luật có điểm chuẩn lên đến 28.5, tăng 2 điểm so với năm 2020.
Điểm chuẩn các ngành của ĐH Ngoại thương đều từ 27 trở lên. |
4. Khối ngành Y Dược
Đây là một trong những ngành “truyền thống” có mức điểm cao khi tập hợp toàn những “học bá” của tổ hợp KHTN. Bên cạnh mức điểm chuẩn cao, các ngành khối Y Dược còn đòi hỏi teen phải có quyết tâm và nỗ lực theo đuổi.
Ảnh minh họa từ Internet. |
Ngoài lượng học sinh tốt nghiệp THPT mỗi năm, vẫn có một lượng lớn các thí sinh lựa chọn ôn tập và thi lại nhiều lần để chinh phục khối ngành Y Dược. Có thể nói tỷ lệ chọi của các ngành Y Dược luôn căng thẳng, thể hiện qua điểm chuẩn các trường ĐH uy tín luôn tiệm cận mức điểm tuyệt đối.
5. Khối ngành Truyền thông - Marketing
Theo xu hướng công nghệ hóa, Gen Z cũng yêu thích các ngành thuộc lĩnh vực Truyền thông. Vừa qua, ngành Truyền thông Đa phương tiện của ĐH KHXH&NV TP.HCM lấy điểm chuẩn cao nhất trường với 27.9 điểm, tiếp đến là ngành Báo chí với 27.8 điểm. Ngành Marketing cũng thường xuyên đứng top các trường như ĐH Kinh tế TP.HCM với mức điểm 27.5 trong năm nay.
Cơn “bão” truyền thông được dự đoán vẫn còn kéo dài khi nhu cầu học tập đang ngày càng tăng cao. Do chỉ mới nổi lên từ những năm gần đây, các bạn học sinh cũng không có nhiều lựa chọn khi chỉ tiêu cũng như số lượng trường ĐH đào tạo ngành này còn hạn chế.
Dù là nhóm ngành mới, nhưng đây lại là nhóm ngành thu hút sự chú ý của teen. |
Teen cần cân nhắc vào năng lực, thiên hướng của bản thân; mặt bằng điểm chuẩn cũng như nhu cầu thực tế của thị trường lao động khi chọn nguyện vọng. Ngoài ra, hãy mạnh dạn tìm hiểu thêm về đa dạng những ngành nghề phù hợp với tính cách, thiên hướng của bản thân; những con đường khác ngoài ĐH để chinh phục ngành nghề yêu thích cũng như những xu hướng nghề nghiệp mới để không bỏ lỡ cơ hội phát triển bản thân phù hợp nhất.