Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra 2 kịch bản thi THPT Quốc gia 2020
Mới đây, Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ phương án thi THPT Quốc gia nhằm phù hợp với bối cảnh ứng phó trước dịch COVID-19. Theo đó, nếu teen có thể đi học trước ngày 15/6 thì vẫn đủ thời gian chuẩn bị để học sinh lớp 12 bước vào kỳ thi THPT Quốc gia vào tháng 8. Trong trường hợp này, kỳ thi sẽ vẫn diễn ra như dự kiến, phương thức cơ bản giống như năm 2019 tuy nhiên Bộ sẽ xem xét giảm số môn thi phù hợp.
“Hiện nay, chương trình học kỳ 2 của lớp 12 đã được tinh giản. Nội dung phần tinh giản sẽ không có trong đề thi. Đề thi tham khảo vừa công bố cũng đã điều chỉnh. Bộ cũng sẽ giảm nhẹ thêm yêu cầu đối với học sinh” - Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết.
Nếu trong tình huống bất khả kháng, học sinh chưa thể đi học trở lại sau ngày 15/6 thì kịch bản mà Bộ tính toán đó là không tổ chức kỳ thi mà giao cho các địa phương xét tốt nghiệp THPT. Bộ sẽ xin ý kiến Chính phủ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép việc này để phù hợp với Luật Giáo dục.
Liên quan đến việc có nên bỏ thi THPT Quốc gia 2020 hay không, đến nay vẫn có nhiều ý kiến tranh luận trái chiều. Trong khi đó, một số trường đại học như ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Bách khoa, ĐH Hàng hải đều đã công bố phương án tuyển sinh riêng của nhà trường.
Sẽ có quy định đảm bảo an toàn khi học online
Việc thiết lập an toàn, an ninh cho giáo viên cũng như học sinh khi dạy và học trực tuyến đang là vấn đề được nhiều dư luận quan tâm, nhất là khi có những thông tin tiêu cực liên quan đến việc để lộ thông tin từ ứng dụng học online.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mới đây đã yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT nhanh chóng hoàn thiện quy chế dạy học trực tuyến. Quy chế sẽ có những quy định về an toàn, an ninh, nhằm bảo vệ học sinh, giáo viên trong quá trình tham gia dạy và học.
Đại dện Bộ GD&ĐT cho biết sẽ nắm bắt thực tế, có giải pháp hỗ trợ để việc dạy và học trực tuyến đạt hiệu quả tại các cơ sở giáo dục, địa phương.
Bộ trưởng cũng yêu cầu đơn vị chuyên môn chuẩn bị các kịch bản cho việc dạy và học trong giai đoạn tới, trong đó có tính tới phương án kết hợp giữa dạy học trực tiếp và trực tuyến khi học sinh có thể trở lại trường.
Từ 15/4, xâm phạm bí mật đời tư của người dùng mạng xã hội sẽ bị phạt tới 30 triệu đồng
Nếu bạn chưa biết, Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử chính thức có hiệu lực từ hôm nay (15/4). Theo đó, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để chia sẻ những thông tin như: Thông tin sai sự thật; thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động hém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn…
Bên cạnh đó, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Vậy nên mạng ảo những nếu sử dụng sai cách thì hậu quả là có thật luôn, chúng mình cần tìm hiểu và nắm rõ những thông tin trên để tránh sai phạm nhé!