Cấu trúc bài thi
Cụ thể, bài thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội bao gồm 3 phần thi:
Phần 1: Tư duy định lượng (Toán học, 50 câu hỏi - 75 phút).
Phần 2: Tư duy định tính (Ngữ văn - Ngôn ngữ, 50 câu hỏi - 60 phút).
Phần 3: Khoa học (Tự nhiên - Xã hội, 50 câu hỏi - 60 phút).
Tổng số câu hỏi chấm điểm là 150 câu hỏi trong đó có 132 câu hỏi trắc nghiệm 4 lựa chọn với 1 đáp án đúng duy nhất, 15 câu hỏi điền đáp án lĩnh vực Toán học, 3 câu hỏi điền đáp án lĩnh vực Vật Lý, Hóa học, Sinh học. Trong mỗi phần có 50 câu hỏi chấm điểm nhưng có thể kèm thêm 1 - 4 câu hỏi thử nghiệm không tính điểm. Các câu hỏi thử nghiệm (không tính điểm) được trộn vào một cách ngẫu nhiên. Bài thi có câu hỏi thử nghiệm thời gian làm bài sẽ kéo dài thêm 2 - 4 phút.
Kiến thức trong phần 1 và 2 được phân bổ như sau: Phần 1 và phần 2: Kiến thức trong chương trình lớp 10: 10%, kiến thức trong chương trình lớp 11: 20%, Kiến thức trong chương trình lớp 12: 70%. Phần 3: Kiến thức trong chương trình lớp 11: 30%, Kiến thức trong chương trình lớp 12: 70%.
Cấu trúc chi tiết của đề thi
Hình thức thi: Thí sinh làm bài thi trực tiếp trên máy tính tại các phòng thi đủ tiêu chuẩn.
Phương pháp làm bài
Thí sinh thực hiện bài thi theo hướng dẫn làm bài của Đại học Quốc gia Hà Nội: Đối với các câu hỏi trắc nghiệm khách quan 04 lựa chọn: Thí sinh lựa chọn một đáp án đúng duy nhất (A, B, C, D) cho mỗi câu hỏi. Đối với các câu hỏi điền đáp án: Thí sinh điền đáp án tìm được vào ô trống có sẵn tương ứng của câu hỏi thi.
Phương pháp chấm điểm
Điểm của bài thi được chấm tự động bằng phần mềm thi Đánh giá năng lực. Kết quả bài thi được hiển thị trên màn hình máy tính sau khi thí sinh kết thúc bài làm hoặc hết thời gian thi theo quy định.
Tổng điểm của toàn bài thi là 150 điểm dựa trên tổng số câu trả lời đúng của thí sinh. Mỗi câu trả lời đúng được 1 điểm, câu trả lời sai hoặc không trả lời không được tính điểm (các câu hỏi thử nghiệm không tính điểm). Điểm của bài thi là tổng điểm của ba phần thi, trong đó mỗi phần thi tối đa 50 điểm. Bảng điểm kết quả bao gồm điểm tổng (tối đa 150 điểm) và 3 đầu điểm thành phần: Tư duy định lượng, Tư duy định tính, Khoa học.
Kế hoạch tổ chức thi: Năm 2023, phục vụ khoảng 70.000 thí sinh tại Hà Nội và các tỉnh Hải Phòng, Nam Định, Hưng Yên, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An.
Lịch thi dự kiến. |
Danh sách các đơn vị phối hợp tổ chức thi
Các địa điểm thi phối hợp tại các đơn vị: Trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Tài nguyên Môi trường, Trường ĐH Thăng Long, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Nam Định, Trường ĐH Hồng Đức, Trường ĐH Vinh, Sở GD&ĐT Hải Phòng, Trung tâm Khảo thí ĐH Thái Nguyên, Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội.
Danh sách các đơn vị đào tạo sử dụng kết quả thi:
Kỳ thi HSA là kỳ thi độc lập. Hiện tại các đơn vị đào tạo của ĐHQGHN sử dụng kết quả thi HSA để xét tuyển đại học bao gồm: Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Công nghệ, Trường ĐH Ngoại ngữ, Trường ĐH Kinh tế, Trường ĐH Giáo dục, Trường ĐH Luật, Trường ĐH Y Dược, Trường ĐH Việt Nhật, Trường Quốc tế, Trường Quản trị & Kinh doanh, Khoa Các Khoa học liên ngành. Các cơ sở đào tạo bên ngoài ĐH Quốc gia Hà Nội công bố sử dụng kết quả thi theo Đề án tuyển sinh hàng năm.
Đối tượng dự thi
Học sinh đang học lớp 12 bậc THPT hoặc tương đương; Người đã tốt nghiệp THPT (hoặc tương đương trở lên) trong thời gian 3 năm tính đến năm thi. Trường hợp khác có nguyện vọng dự thi liên hệ Hội đồng thi xem xét quyết định.
Đại học Quốc gia Hà Nội. |
Điều kiện dự thi
Người dự thi phải đáp ứng các tất cả điều kiện sau đây: Học sinh hoàn thành các yêu cầu đăng ký dự thi; Không trong thời gian bị cấm thi hay bị xử lý hình sự; Thực hiện đầy đủ các yêu cầu dự thi được ghi trong phiếu báo dự thi.
Hướng dẫn đăng ký dự thi
Năm 2023, Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN tổ chức thi tại một số tỉnh thành, khu vực phía Bắc. Lịch thi công bố tại http://khaothi.vnu.edu.vn/. Cổng đăng ký dự thi tiếp nhận thí sinh đăng ký từ ngày 6/2/2023. Năm 2023, thí sinh đăng ký dự thi tối đa 2 lượt/năm và thời gian đăng ký dự thi giữa 2 đợt cách nhau tối thiểu 4 - 6 tuần (kể cả ngày lễ, ngày nghỉ, cuối tuần) tùy theo nguyện vọng của thí sinh. Thông tin bắt buộc đối với thí sinh đăng ký dự thi gồm: thư điện tử (email), ảnh chân dung làm chứng minh nhân dân
(CMND) hoặc căn cước công dân (CCCD) trên phông nền sáng màu, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu. Ảnh được chụp trong 06 tháng tính đến thời điểm đăng ký dự thi. Ảnh của thí sinh được sử dụng để in vào Giấy chứng nhận kết quả thi. Số và ảnh CCCD/CMND. Thí sinh phải đọc và đồng ý với “Thỏa thuận của kỳ thi ĐGNL” trước khi đăng ký ca thi.
Lệ phí đăng ký dự thi và thi HSA là 500.000 đồng/ lượt thi/ thí sinh.