Cãi nhau vì thần thái không hợp lòng cư dân mạng
Jennie (Black Pink) chính thức được gọi với danh xưng House Ambassador (Đại sứ thương hiệu) vào ngày 6/3/2019, khi tham gia show Fall/Winter 2019 của Chanel tại Paris (Pháp). Bức ảnh Jennie Kim đăng trên tài khoản Instagram chính thức của Chanel nhận được hơn 370.000 lượt thả tim (nhiều nhất trong tất cả các gương mặt nổi tiếng mà Chanel đăng lên trong show này). Từ giây phút đó, “Kim tiểu thư” chính thức có được một danh phận trong nhà mốt lừng danh hàng đầu thế giới. Đặc biệt, Jennie được gọi tên trong bối cảnh thị trường tiêu thụ Chanel tại Hàn Quốc đang vô cùng sôi động, thậm chí là một thị trường chiến lược của hãng trong thời gian tới.
Trước khi danh chính ngôn thuận vào "nhà", việc Jennie thường được gọi là "cây" Chanel sống đã tạo nên nhiều tranh cãi. Đa số ý kiến cho rằng gương mặt của Jennie không đủ thần thái sang chảnh để diện đồ Chanel, chứ chưa nói đến là làm đại sứ thương hiệu. Khách quan mà nói, nếu lấy tiêu chí so sánh về thần thái, hay quyền lực mà các đại sứ khác của Chanel đang có, Jennie quả có phần thua kém. Bạn có thể tham khảo G-Dragon, Châu Tấn hay Nana Komatsu để hiểu vì sao Jennie lại bị mang ra so sánh đến vậy.
Dẫu vậy, người cũng đã chọn, danh xưng cũng đã có. Nên chúng ta cần phải tự hỏi, liệu thần thái có nằm trong check-list lựa chọn của Chanel hay không? Phải có lí do để người con gái bị cư dân mạng mỉa mai là "mặc Chanel như mượn đồ của bà ngoại" lãnh trọng trách quảng bá cho hãng tại Hàn Quốc.
Quan trọng là nhãn hàng muốn gì ở đại sứ
Không có một tuyên bố chính thức nào được đưa ra về việc chọn lựa một ai đó làm đại sứ. Tuy nhiên, một quy tắc bất di bất dịch: Người đó phải thể hiện được tinh thần của nhãn hiệu. Một dấu hiệu cho thấy có "ADN" Chanel chảy trong người.
Tranh cãi nổ ra khi mà nhiều người cho rằng Jennie được cài cắm, chạy truyền thông để Chanel để mắt tới. Chiến lược này thật ra chẳng có gì sai bởi không ai tự dưng lại trở nên nổi bật. Kế đó, Jennie có thể làm đủ cách để Chanel biết có một thành viên Black Pink thích diện đồ của hãng, nhưng nếu cô diện quá xấu, quê mùa thì có chạy media cách mấy thì cũng chỉ được xem là một khách hàng bình thường. Trở thành đại sứ nghĩa là Chanel nhìn nhận cách Jennie diện đồ của hãng ở một "level" rất khác, đủ sức để làm nên chuyện.
Lí do thứ hai, khả năng cao là đối tượng khách hàng của Chanel tại Hàn Quốc đã thay đổi hoặc Chanel chủ động muốn thay đổi. Chanel không chỉ dành cho người trưởng thành, Chanel có nhiều thứ để giới trẻ có thể mua. Đó là một cách để kéo dài di sản qua nhiều thế hệ. Lí do không phải là bạn thích hay không thích sự nổi tiếng của Jennie, mà là đối tượng khách hàng mục tiêu của Chanel có thích và thấy hợp hay không.
Và cuối cùng, lí do nằm ở chính Chanel. Câu chuyện của Chanel từ trước đến nay thường có yếu tố gây tranh cãi, đi ngược số đông. Từ Gabrielle Chanel, bà đã là một người phụ nữ cá tính, dám thay đổi nhiều thứ trong thời trang. Đến những bộ hình quảng bá hay các phát ngôn gây bàn tán dưới thời của ngài Karl. Làm những điều khác biệt đã là một tính cách của Chanel từ khi ra đời.
Trong một bài phỏng vấn một nghệ nhân lâu năm tại Chanel - ông Hubert Barrère (Artistic Director, Maison Lesage), cho biết: "Chanel là một tượng đài. Nghĩa là Chanel, tự thân đã là một thương hiệu mang tính biểu tượng. Sẽ chẳng có vấn đề gì với việc chọn một chủ đề cho mùa kế tiếp. Nếu chủ đề là Ai Cập thì Ai Cập trở thành Chanel. Nếu chúng tôi quyết định chọn điểm đến kế tiếp là Cuba, Cuba trở thành Chanel. Bạn có thể cảm nhận được quyền năng và sự tuyệt vời từ phong cách Chanel".
Đến đây, chúng ta có thể tạm suy ra rằng, vấn đề không phải ai là người hợp với Chanel dựa trên thần thái hay điều gì khác. Mà tự Chanel sẽ chọn một nhân vật mà nhà mốt yêu thích và tự khắc biến người đó trở thành một phần của Chanel. Jennie được chọn thì Jennie thành Chanel. Nên vì sao ta lại cãi nhau về hợp hay không trong khi chính Chanel vẫn rất ung dung với quyết định của mình?
Tạm kết
Ngoài những lí do nhìn từ Chanel, chúng ta dễ dàng nhận rằng có rất nhiều set đồ Chanel mà Jennie diện siêu chuẩn, phối cực "gắt" từ đi diễn, event, MV cho đến đời thường, sân bay rất đẹp. Jennie diện chúng nhiều đến mức nó trở thành một sự phóng khoáng trẻ trung, một thói quen hằng ngày. Nghịch lí ở chỗ lâu lâu vài cô mẫu diện Chanel xong lại được dân tình đem ra so sánh với Jennie về thần thái, tạo dáng. Thử hỏi họ đã sống được với phong cách Chanel bao nhiêu ngày? Đã đủ đẳng cấp để xem Chanel như một lối sống hơn là một trang phục chỉ để khoe mẽ hàng hiệu hay chưa?
Nhìn Jennie thoải mái trong những bộ trang phục thì chúng ta có quyền tin chắc rằng lựa chọn của Chanel là có cơ sở. Chanel đã đổ dồn sự chú ý của hãng vào Hàn Quốc từ mở flagship store, mang các BST đến trình diễn, đến lập ra trang Instagram Chanel Beauty Korea, ra mắt Boy de Chanel tại Hàn đầu tiên... Những sự quan tâm đặc biệt đó càng chứng tỏ việc đặt để Jennie vào vị trí đại sứ là một phần của chiến lược - vậy nên, đừng vội phán xét khi chưa hiểu hết một quyết định đã được tính toán kỹ lưỡng.