Vì sao nhiều cục, vụ trưởng của Bộ GD&ĐT bị xem xét kỷ luật?

Vì sao nhiều cục, vụ trưởng của Bộ GD&ĐT bị xem xét kỷ luật?
HHT - Sau vụ gian lận thi cử tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Cục trưởng Mai Văn Trinh cùng một số cán bộ của Bộ GD&ĐT bị xem xét kỷ luật vì nhiều lý do.

Liên quan vụ gian lận thi cử gây bức xúc dư luận tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Bộ GD&ĐT đang xem xét kỷ luật đối với 13 công chức là các cục, vụ trưởng, chánh thanh tra của bộ.

Trong đó, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng - bị xem xét kỷ luật với trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong việc để xảy ra những thiếu sót trong tham mưu xây dựng, ban hành văn bản và chỉ đạo tổ chức kỳ thi, công tác tập huấn, quán triệt quy chế thi.

Vì sao nhiều cục, vụ trưởng của Bộ GD&ĐT bị xem xét kỷ luật? ảnh 1
Cục trưởng Mai Văn Trinh - người để lại nhiều dấu ấn trong xử lý tiêu cực tại Hà Giang - cũng bị xem xét kỷ luật. Ảnh: Nguyễn Sương.

Ông Sái Công Hồng - Phó cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng - bị xem xét kỷ luật vì thiếu sót trong chỉ đạo tham mưu xây dựng phần mềm chấm thi trắc nghiệm.

Lý do đối với ông Nguyễn Duy Kha - Trưởng phòng Quản lý thi, Cục Quản lý Chất lượng - là thiếu sót trong tham mưu xây dựng ban hành văn bản và chỉ đạo tổ chức kỳ thi; công tác tập huấn, quán triệt quy chế thi.

Ông Hà Xuân Thành - Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Khảo thí Quốc gia, Cục Quản lý Chất lượng - thiếu sót trong tham mưu xây dựng phần mềm chấm thi trắc nghiệm. 

Ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, chịu trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong việc tham mưu bảo mật cơ sở dữ liệu của phần mềm chấm thi trắc nghiệm.

Chánh Thanh tra Nguyễn Huy Bằng chịu trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong việc để xảy ra những thiếu sót trong công tác thanh tra thi.

Phó chánh Thanh tra Tống Duy Hiến bị xem xét kỷ luật theo trách nhiệm của trưởng đoàn thanh tra chấm thi trong việc để xảy ra những thiếu sót trong công tác thanh tra thi.

Lý do đối với ông Trịnh Minh Trường, Phó trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, là trách nhiệm của tổ trưởng tổ trực thanh tra chấm thi trong việc để xảy ra những thiếu sót trong công tác thanh tra thi.

Ông Lê Văn Vương - Phó trưởng phòng Thanh tra Hành chính - chịu trách nhiệm của tổ trưởng kiểm tra công tác thanh tra chấm thi tại Sơn La trong việc để xảy ra những thiếu sót trong công tác thanh tra thi.

Thẩm Thị Minh Hằng - thanh tra viên chính - chịu trách nhiệm của thành viên trực thanh tra chấm thi trong việc để xảy ra những thiếu sót trong công tác thanh tra thi.

Ông Nguyễn Ngọc Chính, thanh tra viên, bị xem xét kỷ luật theo trách nhiệm của thành viên tổ kiểm tra công tác thanh tra chấm thi tại Hà Giang, để xảy ra những thiếu sót trong công tác thanh tra thi.

Lê Thị Kim Dung - Vụ trưởng Vụ Pháp chế - chịu trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong việc tham mưu, tư vấn nội dung liên quan tại quy chế thi, để xảy ra những thiếu sót trong công tác tổ chức thi.

Ông Vũ Đình Chẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, chịu trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong việc tham mưu, tư vấn nội dung liên quan tại quy chế thi, để xảy ra những thiếu sót trong công tác tổ chức thi.

Trước đó, tối 30/8, Thứ trưởng GD&ĐT Lê Hải An cho biết Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2018 đã tổ chức họp để rà soát, đánh giá công tác tổ chức của kỳ thi nhằm xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân thuộc Bộ GD&ĐT có liên quan.

Từ kết quả rà soát, đánh giá, lãnh đạo bộ chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức họp kiểm điểm và báo cáo kết quả. Căn cứ kết quả kiểm điểm của các đơn vị, 13 cá nhân có trách nhiệm về mặt quản lý Nhà nước liên quan tổ chức kỳ thi.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là một bước trong quy trình xem xét kỷ luật công chức theo quy định. Hội đồng kỷ luật của Bộ GD&ĐT sẽ xem xét, đánh giá công tâm, khách quan để tư vấn cho Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng GD&ĐT xem xét, quyết định thấu tình, đạt lý.

Vụ án nâng điểm thi THPT quốc gia 2018 được cho là gian lận thi cử lớn nhất từ trước đến nay. 222 thí sinh được nâng điểm ở Hà Giang (114), Sơn La (44), Hòa Bình (64). Cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với 16 bị can về các tội danh khác nhau. Trong đó, Sơn La 8 người, Hòa Bình 3 và Hà Giang 5.

Với 108 thí sinh liên quan gian lận ở Sơn La, Hòa Bình, Bộ GD&ĐT công bố kết quả chấm thẩm định khi các em đã trúng tuyển vào nhiều trường đại học công an, quân đội, sư phạm, y, kinh tế... Thậm chí, một số em còn đỗ thủ khoa các trường đại học lớn ở Hà Nội.

Sau khi rà soát, nhiều trường đã cho thôi học sinh viên liên quan gian lận thi cử. Bộ Công an đã trả 53 sinh viên về Sơn La, Hòa Bình. Các trường quân đội cũng trả về địa phương 7 trường hợp. Một số sinh viên khác vẫn được học, dù được nâng điểm, vì không có căn cứ xử lý.

Nhiều cán bộ cũng bị xem xét kỷ luật vì liên quan "đại án gian lận" của ngành giáo dục.

Theo news.zing.vn
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm