Vụ cô dâu Việt bị bạo hành: Hôn nhân Việt - Hàn đều bi kịch?

Vụ cô dâu Việt bị bạo hành: Hôn nhân Việt - Hàn đều bi kịch?
HHT - Nhiều cặp đôi Việt - Hàn ở Việt Nam bày tỏ bức xúc với vụ cô dâu Việt bị bạo hành tại Hàn Quốc mới đây và cho rằng đây chỉ là một mặt của hôn nhân xuyên biên giới.

Buổi tối hôm đó giống như bao ngày thường, chị Chu Thị Như Quỳnh đang nấu cơm cho cả nhà. Trong phòng, bé Park Ji Ho 5 tháng tuổi vẫn say ngủ. Cậu bé là kết quả của ba năm tình yêu giữa chị và người chồng Hàn Quốc, anh Park Hae Sik.

“Hôm nay anh ấy đi làm về hơi muộn. Ji Ho thì ngủ từ 18h30 rồi”, chị Quỳnh vừa trả lời Báo vừa chuẩn bị mâm cơm có đủ các món ăn Hàn Quốc lẫn Việt Nam.

Những ngày gần đây, nhiều gia đình Việt - Hàn như vợ chồng chị Quỳnh đều bức xức về vụ người chồng Hàn Quốc 36 tuổi, sống tại Yeongam, tỉnh Jeolla Nam, đánh đập tàn nhẫn vợ người Việt trong suốt 3 giờ đồng hồ, ngay trước mặt con trai 2 tuổi.

Đoạn video ghi lại cảnh tượng trên được phát tán trên mạng làm rúng động dư luận Hàn Quốc. Nạn nhân L.G., 30 tuổi, bị đánh nứt xương sườn và chịu nhiều chấn thương khác. Cảnh sát phải cách ly nạn nhân và con trai đến cơ sở lánh nạn trong thời gian điều tra.

Vụ cô dâu Việt bị bạo hành: Hôn nhân Việt - Hàn đều bi kịch? ảnh 1
Người chồng trong video đánh đập vợ người Việt trong 3 giờ đồng hồ. Ảnh: Korea Times.

Trả lời Báo, nạn nhân cho biết nguyên do “bị đánh như bao cát” là vì người chồng “bảo em lấy cái gì đó mà em không hiểu. Em đi lấy nhầm thì anh ta bắt đầu tát tai em rồi đánh đập liên tục”.

Đọc hết các bài báo liên quan, chị Quỳnh than thở: “Nguyên nhân trực tiếp cũng do khác biệt ngôn ngữ. Nếu không hiểu nhau thì yêu nhau, lấy nhau thế nào được. Ở đâu cũng có người này người kia, không phải tất cả đàn ông Hàn Quốc đều như vậy”.

Rủi ro nhiều từ hôn nhân môi giới

Trả lời báo giới trước tòa ngày 8/7, người chồng họ Kim nói: "Tâm trí tôi dần trở nên bực bội vì tôi và vợ không sử dụng cùng ngôn ngữ khiến chúng tôi suy nghĩ cũng khác nhau. Tôi nghĩ những người đàn ông khác cũng thế”.

Tuy nhiên, gia đình chị Quỳnh và anh Park dường như lại thể hiện một thực tế khác.

Năm 2016, anh Park, khi đó 33 tuổi, tình cờ gặp chị Quỳnh đang làm việc tại một quán ăn Hàn ở Hà Nội. Mới sang Việt Nam được nửa năm nhưng nhờ nói tiếng Việt khá giỏi, anh Park thành công “cưa đổ” cô sinh viên năm cuối trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

“Chồng mình làm vị trí quản lý, kiểm tra chất lượng cho một nhà máy ở Vĩnh Phúc. Vợ chồng mình kết hôn sau một năm tìm hiểu”, chị Quỳnh chia sẻ.

“Lúc cầu hôn, tiếng Việt chưa sõi lắm nên anh còn nói ‘em của anh được không?’. Nghe rất buồn cười”, Quỳnh vui vẻ hồi tưởng lại.

Vụ cô dâu Việt bị bạo hành: Hôn nhân Việt - Hàn đều bi kịch? ảnh 2
Ảnh chụp gia đình chị Quỳnh và anh Park trong lễ kết hôn tại Hàn Quốc năm 2017. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Như bao cặp đôi khác, vợ chồng anh Park vẫn xảy ra tranh cãi nhưng chủ yếu khi chưa kết hôn. Đến lúc về chung nhà, mâu thuẫn gần như không có và nếu có cũng không phải vấn đề lớn.

Khi được hỏi cảm thấy thế nào về vợ, anh Park cười và trả lời Báo bằng tiếng Việt lẫn tiếng Hàn: “Vợ chỉ hơi ‘xấu tính’ và không cho tôi tiền, còn lại đều tốt”.

“Cho tới thời điểm hiện tại, mình không có gì phàn nàn về chồng. Mình là người quyết định chính trong nhà, anh ý chỉ đi làm. Anh cũng tự giác về nhà trước 21h tối. Nếu về muộn hơn đều giải thích lý do”, chị Quỳnh nói.

“Nhất là chồng không bao giờ đánh mình”, chị Quỳnh khẳng định và còn đùa: “Nếu có đánh nhau, chắc chỉ có mình đánh chồng”.

Đồng gia cảnh và quan điểm với Quỳnh, chị Vũ Thủy, 27 tuổi, và Nguyễn Hương, 28 tuổi, đang chung sống rất hạnh phúc với chồng người Hàn Quốc tại Hà Nội. Trả lời Báo, hai chị đều khẳng định: “Anh ấy rất tốt nên tôi mới lấy. Không hề vũ phu. Rất ngoan và chiều vợ”.

Sau khi kết hôn, Quỳnh đăng kí tham gia khóa học tiếng Hàn tại Hà Nội để hai vợ chồng có thể xóa đi rào cản ngôn ngữ. Trong lớp học của chị có không ít những cô gái Việt Nam đang yêu và dự định lấy chồng Hàn Quốc.

Quỳnh khẳng định chưa gặp trường hợp nào bị bạn trai hay chồng người Hàn đánh đập, nhưng cũng gặp vài phụ nữ Việt học tiếng Hàn để chờ kết hôn qua môi giới.

“Gần 100%” cô dâu Việt bị chồng Hàn đánh đều là kết hôn qua môi giới và theo chồng sang Hàn Quốc. Chắc chắn đó sẽ là hôn nhân khó có tình yêu.

“Đã không có tình yêu giữa hai bên thì làm sao có thể đòi hỏi người kia đối xử tốt với mình được”, chị Quỳnh nhận định.

Áp lực với đàn ông Hàn "nói to, đập bàn ghế ầm ầm"

Nạn nhân L.G. trong vụ bạo hành kể quen chồng từ tháng 12/2014, khi cả hai đang làm công nhân một nhà máy đóng tàu. Người chồng lúc đó đang làm thủ tục ly dị với người vợ cũ (người Hàn).

Quen một thời gian, chị thấy anh này tính tình nóng nảy, vũ phu nên đã muốn chia tay nhiều lần. Chị từng tìm cách chuyển chỗ làm và chỗ ở nhưng anh này vẫn tìm tới và đe dọa chị. Lấy về chưa được bao lâu, chị thường xuyên bị "đánh như bao cát" nhưng không báo cảnh sát vì không có bằng chứng.

Vụ cô dâu Việt bị bạo hành: Hôn nhân Việt - Hàn đều bi kịch? ảnh 3
Hàn Quốc là nơi tư tưởng Nho giáo vẫn còn ảnh hưởng sâu sắc. Ảnh: The New Paper.

Theo chị Quỳnh và chị Hương, nguyên nhân bạo hành đa phần do khác biệt ngôn ngữ, phong tục và nhất là tính cách của người chồng. Phần lớn đàn ông Hàn đánh vợ sống ở vùng nông thôn, ít học, hoặc quá tuổi kết hôn, nghiện rượu, thất nghiệp. 

“Những yếu tố đó cộng với việc vợ chồng không hiểu nhau nói gì rất có thể dẫn đến xô xát”, chị Quỳnh nói.

Không quan hệ tình cảm với đàn ông Hàn Quốc, nhưng giờ đây khi hồi tưởng lại trải nghiệm làm việc cùng đồng nghiệp người Hàn, chị Cao Thị Duyên, 24 tuổi, vẫn cảm thấy “cực kỳ ám ảnh”.

Từng công tác tại một công ty điện tử của Hàn Quốc tại Bắc Ninh, chị Duyên miêu tả khi bị áp lực quá, đàn ông Hàn thường “nói to hét lớn, đập tay lên bàn ghế ầm ầm, thậm chí ném bút, ném đồ đi nơi khác”.

“Nếu có vấn đề lớn diễn ra, nhân viên nữ lên báo cáo đều rất hãi”, chị Duyên kể. “Nhưng cũng có một số người lịch sự hơn, trước khi hét to sẽ nhìn xung quanh, thấy có ai đang mang bầu sẽ bảo người đó đi ra ngoài trước”.

Hàn Quốc là nơi tư tưởng Nho giáo, vốn coi nam giới có vai trò quan trọng hơn phụ nữ trong xã hội, vẫn còn ảnh hưởng sâu sắc. Trong hàng thế kỷ, hệ thống tôn ti trật tự đã tồn tại dựa trên tuổi tác và giới tính, trong đó nam giới nắm giữ các vị trí quyền lực.

Trích dẫn kết quả nghiên cứu do Viện Tội phạm học Hàn Quốc (KIC) thực hiện năm 2017, Korea Herald cho hay khoảng 71% trong số người thừa nhận từng ngược đãi bạn gái nói rằng họ kiểm soát các hoạt động cá nhân của bạn gái, như hạn chế đi gặp gỡ bạn bè hoặc không cho tiếp xúc với người khác, bao gồm cả gia đình.

“Tính cách gia trưởng công nhận là có”, chị Hương nói, “nhưng chồng mình biết lắng nghe và muốn nói chuyện trên bàn ăn. Nếu bạn không lắng nghe và cùng nói chuyện đồng nghĩa sẽ có bạo lực, dù ở Hàn Quốc, Việt Nam hay châu Âu”.

Vụ cô dâu Việt bị bạo hành: Hôn nhân Việt - Hàn đều bi kịch? ảnh 4
Một nhóm vận động thông qua luật chống phân biệt đối xử tổ chức họp báo tại quảng trường Gwanghwamun ở Seoul ngày 12/9/2017. Ảnh: Hankyoreh.

Đàn ông Hàn keo kiệt, không "soái ca" như phim?

Quỳnh cũng thừa nhận anh Park và nhiều đàn ông Hàn Quốc chị từng tiếp xúc có tính keo kiệt. “Chuyện gì cũng có lý do. Một số đàn ông Hàn nói với mình vì đồng tiền họ kiếm được rất vất vả, nên không muốn tiêu bừa bãi, quá thoải mái”.

“Cuộc sống ở Hàn Quốc rất căng thẳng và áp lực. Khi chưa sang Việt Nam, chồng mình đi làm quần quật quanh năm, chỉ được nghỉ một ngày. Ngày làm việc thường kết thúc lúc 21h”, chị Quỳnh kể.

Tuy nhiên, chuyện keo kiệt là với người ngoài và trước hôn nhân, sau kết hôn lại là phạm trù khác, chị Quỳnh khẳng định. “Anh không bao giờ hỏi nhà có bao nhiêu tiền, tháng này tiết kiệm bao nhiêu, tiêu bao nhiêu. Mỗi tháng nhận lương đều chuyển hết vào tài khoản vợ. Đối với nhà ngoại, mỗi lần hai vợ chồng đi du lịch, anh đều chủ động hỏi bố mẹ mình có muốn đi cùng không để anh đặt vé máy bay”.

Là người Hàn Quốc sinh sống tại Hà Nội, anh Kim (nhân vật yêu cầu giấu tên), 29 tuổi, đang đảm nhiệm vị trí quan hệ khách hàng cho một công ty công nghệ Hàn Quốc ở quận Nam Từ Liêm. Anh cho rằng có rất nhiều đàn ông Hàn Quốc tử tế và tốt bụng. Những “tin đồn” như vậy khiến hình ảnh đàn ông Hàn Quốc xấu đi rất nhiều.

Nhưng đàn ông Hàn cũng không lãng mạn được như trong phim truyền hình. Các bạn gái đừng sốc khi phát hiện ra điều này. “Trong thực tế, không có ‘soái ca’ như trong phim”, anh Kim nói.

Lời khuyên cho cô dâu Việt

Theo Bộ Tư pháp Hàn Quốc, nước này có 132.391 cô dâu đã được đăng ký là người nhập cư kết hôn tính đến tháng 12/2018, chiếm 1/10 tổng số người nước ngoài sống ở Hàn Quốc.

Báo cáo tháng 2/2018 của Bộ Gia đình và Bình đẳng giới Hàn Quốc cho biết hơn 73% số phụ nữ nước ngoài làm dâu tại Hàn Quốc trong thời gian từ 2014-2016 là người Việt Nam. Khoảng 40.000 phụ nữ Việt Nam đang làm dâu tại Hàn Quốc.

Vụ cô dâu Việt bị bạo hành: Hôn nhân Việt - Hàn đều bi kịch? ảnh 5
Vợ chồng chị Quỳnh, anh Park cùng con trai Ji Ho. Ảnh: NVCC.

Chia sẻ với Báo, anh Park cho biết hiện nay, đàn ông Hàn Quốc có xu hướng không muốn kết hôn với phụ nữ Hàn, thay vào đó muốn tìm kiếm những “cô dâu ngoại”.

Con gái Hàn Quốc hiện đại có xu hướng coi chồng như “cây ATM sống”.

Từ chăm con, kiếm tiền đều muốn chồng gánh vác. “Chưa kể đến việc một số phụ nữ Hàn Quốc không muốn sinh con”, chị Quỳnh nói.

Căn hộ tại quận Bắc Từ Liêm của chị Quỳnh và anh Park sau hai năm chung sống vẫn là tổ ấm tràn ngập niềm vui, tiếng cười của cậu con trai nhỏ Ji Ho. Quỳnh chia sẻ cần có sự nỗ lực từ cả vợ và chồng để có thể dung hòa hai nền văn hóa, hai lối sống khác nhau.

“Một số đàn ông Hàn Quốc sang đây nhiều năm vẫn không chịu ăn cơm Việt. Nhưng chồng mình khá dễ tính, ăn cơm gì cũng được. Ngược lại, mình cố gắng học nấu vài món ăn Hàn Quốc đơn giản cho chồng, tạo điều kiện để chồng cảm thấy thoải mái như đang ở quê nhà”, Quỳnh chia sẻ.

Đối với việc kết hôn qua môi giới, Quỳnh coi đây là “hình thức mua bán con người”. “Đừng thông qua môi giới. Hãy cứ yêu và tìm hiểu kỹ. Nếu có biểu hiện bạo hành, không nên cố chấp. Một khi thật lòng yêu nhau, hãy mạnh dạn thương lượng để sống ở Việt Nam, vì đây là quê hương nên bạn sẽ có nhiều lợi thế hơn”, chị Quỳnh nhắn nhủ.

Do không thể lường trước được tất cả tình huống, nhất là ở xứ người, chị Hương khuyên các cô dâu Việt nên có số điện thoại của công an Hàn Quốc để trình báo, tránh hậu quả không đáng có.

Theo anh Kim, Việt Nam cần phải dừng hoạt động môi giới kết hôn, đặc biệt là việc cho phép đàn ông Hàn Quốc trả tiền để lấy vợ Việt Nam. Hôn nhân không dựa trên tình yêu sẽ sớm dẫn đến bi kịch.

Phụ nữ Việt cũng nên hiểu rằng cuộc sống ở Hàn Quốc không dễ dàng và hạnh phúc như tưởng tượng vì phải xa xứ, khác biệt ngôn ngữ và chịu sự phân biệt đối xử. Đó vấn đề ở mọi quốc gia, không riêng gì Hàn Quốc, anh Kim chia sẻ.

Vụ cô dâu Việt bị bạo hành: Hôn nhân Việt - Hàn đều bi kịch? ảnh 6
Người chồng vũ phu trình diện trước tòa ngày 8/7. Ảnh: Yonhap.

Người đàn ông bạo hành vợ trong đoạn video gây rúng động đã bị bắt hôm 8/7 tại nhà của họ ở Yeongam, tỉnh Nam Jeolla.

Giám đốc Cơ quan Cảnh sát Quốc gia của Hàn Quốc, ông Min Gab Ryong, đã gặp Bộ trưởng Công An Tô Lâm, người đang có chuyến thăm và làm việc tại Hàn Quốc. Ông Ryong bày tỏ sự hối tiếc về vụ việc, đồng thời, hứa sẽ tiến hành một cuộc điều tra kỹ lưỡng.

Theo Korea Times, bản kiến nghị trực tuyến trên trang web của Nhà Xanh (phủ tổng thống Hàn Quốc) nhằm kêu gọi trừng phạt nghiêm khắc người đàn ông Hàn Quốc đã lấy được khoảng 10.000 chữ ký.

“Đàn ông đánh vợ chắc chắn là nhân cách không tốt”, anh Park nói với Báo.

Có bạn gái là người Việt Nam, anh Kim cũng coi đây là vụ việc rất đáng buồn. “Anh ta đáng phải chịu cảnh sống một mình. Là một người đàn ông Hàn Quốc, tôi muốn gửi lời xin lỗi tới các bạn. Hy vọng những vụ việc như vậy không bao giờ xảy ra nữa”.

Theo news.zing.vn
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

ĐT Việt Nam kiểm soát bóng hơn 70% trong trận gặp ĐT Lào, cho thấy điều gì?

ĐT Việt Nam kiểm soát bóng hơn 70% trong trận gặp ĐT Lào, cho thấy điều gì?

HHT - Trong trận đấu ĐT Lào - ĐT Việt Nam ở AFF Cup 2024, những con số thống kê đều nghiêng về phía ĐT Việt Nam, mà ấn tượng hơn cả là tỷ lệ kiểm soát bóng. ĐT Việt Nam kiểm soát bóng đến 73,8% thời gian, vượt trội so với 26,2% của ĐT Lào. Có phải kiểm soát bóng nhiều hơn là tốt hơn, hay con số này có thể nói lên điều gì nữa?