Ví dụ nhé, bạn vừa mua một cuốn tạp chí cực hay và vội mang về nhà đọc ngay. Bạn xem các mục ở trong theo cách nào?
a. Đọc cả cuốn theo thứ tự từ trang đầu đến trang cuối cùng.
b. Bạn nhảy ngay đến bài báo mà bạn biết là bạn sẽ thích (vì đọc quảng cáo trước rồi) và chỉ đọc bài đó thôi.
c. Lật ngẫu nhiên qua các trang và đọc bất kỳ bài nào có vẻ đáng đọc.
d. Nếu cách bố trí các mục của sách vẫn như thế, thì bạn sẽ đọc lần lượt các mục theo đúng thứ tự mà bạn thường đọc (tức là không nhất thiết phải đọc từ đầu đến cuối, mà xếp theo độ yêu thích của bạn)
Và bây giờ là giải mã cho các lựa chọn theo từng trang sách của bạn nhé. Đặc biệt, cách phân bổ thời gian đọc của bạn tiết lộ cách mà bạn kiểm soát tiền bạc hay thói quen quản lý chi tiêu.
Nếu bạn đọc cả cuốn theo thứ tự từ trang đầu đến trang cuối cùng: Bạn là mẫu người biết rằng mỗi đồng tiền của mình đã được tiêu vào việc gì. Nói thế cũng không phải là bạn chỉ quan tâm mỗi đến chuyện tiền nong hay lập kế hoạch chi tiêu; thực tế, bạn chỉ cảm thấy thoải mái hơn khi bạn biết rõ mọi việc đang được quản lý và kiểm soát ra sao.
Bạn ghét tình huống bị thất lạc thứ gì đó, nhất là tiền nong, nên bạn luôn có cách ghi chép lại các kiểu tài khoản, thẻ tín dụng, các khoản thu chi. Bạn cũng luôn biết rõ mình có bao nhiêu tiền trong ví, hay trong thẻ ATM, và luôn biết rõ sắp tới mình phải chi tiêu những khoản gì. Riêng về khoản quản lý ngân sách thì bạn thực sự rất trưởng thành rồi đấy.
Nếu bạn nhảy ngay đến bài báo mà bạn biết là bạn sẽ thích và chỉ đọc bài đó thôi: Hình như túi bạn lúc nào cũng thủng. Nếu bạn có tiền, bạn sẽ dùng nó để mua bất kỳ thứ gì bắt mắt và nghĩ: “Có thể tháng sau mình sẽ bắt đầu tiết kiệm”, và rồi bạn tiêu đến đồng tiền cuối cùng. Nếu bạn cố tiết kiệm được đồng tiền nào, thì sẽ chẳng phải là bất thường nếu bạn lại bứt rứt lấy ngay ra chỉ để… có việc gì đó mà làm. Hy vọng bạn không đến nỗi rơi vào tình trạng nợ nần đấy nhé.
Nếu bạn lật ngẫu nhiên qua các trang và đọc bất kỳ bài nào có vẻ đáng đọc: Tớ sẽ nói bạn là người tiết kiệm. Một số người khác thì bảo rằng bạn “keo”. Thực tế là bạn không tiêu tiền bừa bãi hay lãng phí, mà bạn thích tiết kiệm đề phòng “những ngày mưa”.
Bạn không bao giờ mua sắm để đỡ buồn, hoặc mua sắm vì bốc đồng, hay vì tâm lý thấy người khác mua. Bạn cũng không bao giờ mua sạch số tiền trong ví chỉ vì quá thích một thứ gì đó. Lời khuyên ở đây là bạn có thể thả lỏng một chút trong từng trường hợp. Bởi nói cho cùng, tiền bạc là để giúp bạn sống được thoải mái và thuận tiện hơn mà.
Nếu bạn đọc lần lượt các mục theo đúng thứ tự mà bạn thường đọc: Bạn có những thói quen nhất định trong việc chi tiêu mà bạn luôn giữ bất chấp cuộc sống có thay đổi thế nào. Ví dụ, bạn thích săn hàng giá rẻ ở các trang web mua hàng theo nhóm, thì dù bạn có trúng xổ số, bạn cũng vẫn vào các trang web đó để mua được hàng giảm giá mà thôi.
Ngược lại, nếu bạn thích hàng hiệu, thì dù có nhẵn túi, bạn cũng sẽ chỉ mua đồ nếu đó là đồ có thương hiệu đàng hoàng. Bạn ít khi lo lắng hoặc suy nghĩ nhiều đến việc thay đổi kế hoạch chi tiêu. Điều này cho thấy bạn nên để một người thân thiết nhất (mẹ!) quản lý tiền bạc giúp mình, và để người đó nhắc nhở mỗi khi bạn “vung tay quá trán” hoặc khi bạn chẳng bao giờ biết mua gì cho chính bản thân mình.