Hikikomori trong tiếng Nhật có nghĩa là “tự rút lui và nghỉ ngơi”. Thuật ngữ này gắn với một lựa chọn xu hướng sống này được bác sĩ Tamaki Saito nhận diện và đặt tên vào những năm 1990, dùng để chỉ những thanh, thiếu niên Nhật Bản ở độ tuổi từ 13 - 29 không hòa nhập với xã hội, không bạn bè, tự nhốt mình trong phòng và từ chối mọi liên hệ với thế giới bên ngoài.
Kể từ đó, các nhà tâm lý học đã đặt ra câu hỏi liệu Hikikomori là một dạng rối loạn tâm thần hay hội chứng văn hóa. Về mặt y học thì hội chứng này không được phân loại là bệnh tâm thần, nhưng thường được chẩn đoán cùng bệnh tâm thần. Các tình trạng liên quan bao gồm rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn tâm trạng, rối loạn tâm thần và rối loạn nhân cách.
Nhiều thanh niên tự cô lập mình khỏi xã hội, dành phần lớn thời gian chơi game. Ảnh: Getty Images/EyeEm |
Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, hội chứng Hikikomori là hiện tượng những người tự cách ly chính mình, tránh xa các hoạt động xã hội, không đi làm, đi học. Họ có thể tự nhốt mình ở nhà ít nhất 6 tháng mà không tiếp xúc với người khác trừ gia đình. Họ thường thức ban đêm để chơi game, xem tivi, đọc truyện tranh và ngủ vào ban ngày.
Một thanh niên Nhật sống theo xu hướng Hikikomori. Nguồn: The Mirror. |
Một số nhà tâm lý học đưa ra định mức để phân loại Hikikomori theo tần suất một người rời khỏi nhà. Người mắc hội chứng nhẹ rời khỏi nhà trung bình 2 - 3 lần/ tuần, mức độ vừa thì rời khỏi nhà 1 lần/ tuần, còn người có hội chứng Hikikomori nặng thì hiếm khi rời khỏi phòng. Một số trường hợp mắc hội chứng này kéo dài từ 1 - 4 năm, nhưng cũng có trường hợp kéo dài hơn 1 thập kỷ.
Một điều đặc biệt đáng lo ngại là những người mắc hội chứng Hikikomori thường là những thanh niên trong độ tuổi lao động. Tình trạng gia tăng số người mắc Hikikomori khiến Nhật Bản mất đi số lượng không nhỏ lực lượng lao động, ảnh hưởng tới nền kinh tế.
“Rất hiếm bắt gặp Hikikomori trong các gia đình nghèo. Môi trường trung lưu, các gia đình trung lưu tiềm ẩn nguy cơ cao xuất hiện hội chứng này. Phần lớn Hikikomori là những thanh niên đã tốt nghiệp, sau khi tốt nghiệp đại học họ trở thành những Hikikomori” - giáo sư Kato chia sẻ.
Theo nghiên cứu của nhà kinh tế chính trị Nicholas Eberstadt thì hội chứng bắt nguồn từ Nhật Bản này đang có dấu hiệu bùng phát, lan nhanh trong nam giới tại Mỹ. Podcaster người Anh Chris Williamson cũng nêu lên thực trạng về 7 triệu nam giới trong độ tuổi lao động thất nghiệp và không tìm kiếm việc làm ở Mỹ.
Hội chứng bắt nguồn từ Nhật Bản này đang có dấu hiệu bùng phát, lan nhanh tại Mỹ, nhà kinh tế chính trị Nicholas Eberstadt cho biết. Ảnh: Internet |
Mặc dù ban đầu, các nhà tâm lý học cho rằng Hikikomori nảy sinh từ các điều kiện văn hóa xã hội đặc trưng của Nhật Bản, nhưng cho đến nay nó đã được ghi nhận ở nhiều quốc gia có bối cảnh văn hóa xã hội rất khác nhau như Ấn Độ, Hàn Quốc, Nigeria, Tây Ban Nha, Canada và Mỹ.
Nhiều ý kiến cho rằng, đại dịch COVID-19 là một trong những tác nhân khiến Hikikomori dần trở nên phổ biến và nghiêm trọng. Các yêu cầu cách ly do dịch bệnh khiến tình trạng này tồi tệ hơn đối với một số người mắc Hikikomori đang cố gắng thoát khỏi hội chứng này.
Trong nghiên cứu của các học giả tại Đại học Kyushu, Nhật Bản tiết lộ mức testosterone thấp có thể là một trong những dấu hiệu phổ biến của Hikikomori ở những người trẻ sống cô lập xã hội. Loại hoóc-môn này thường liên quan tới các hành vi chống đối xã hội và hiếu chiến.
Điều này có thể lý giải cho xu hướng Hikikomori đang lan rộng ở Mỹ. Bởi lẽ mức testosterone ở nam thanh niên Mỹ đã giảm nhanh chóng trong nhiều năm trở lại đây. Trung bình cứ 4 nam giới Mỹ thì có 1 người có testosterone thấp.
Những người theo xu hướng Hikikomori muốn trốn tránh thực tại xã hội. Ảnh: Maika Elan. |
Nhà nghiên cứu M Suwa và K Suzuki bổ sung thêm thêm, những người theo xu hướng Hikikomori muốn trốn tránh thực tại xã hội, khi có quá nhiều người kỳ vọng vào họ. Họ trở nên mệt mỏi vì phải duy trì hình ảnh hoàn hảo trong mắt người khác. Nghiên cứu khác chỉ ra Hikikomori cũng dễ nảy sinh trong những gia đình bất hoà.
Cũng có nghiên cứu nhận thấy mối liên kết giữa Hikikomori với sự phát triển của mạng xã hội và Internet. Internet và phương tiện truyền thông xã hội cho phép mọi người giao tiếp, kết bạn mà không cần gặp mặt trực tiếp, khiến mọi người không muốn ra khỏi nhà để tương tác xã hội.