Có người từng nói, Tết đến sớm nhất là ở bến xe, ga tàu. Đúng như vậy, những ngày cận Tết, không khí ở Ga Sài Gòn hối hả hơn hẳn ngày thường. Ở đây có những người mà ngày nào họ cũng nhìn thấy người khác háo hức hồi hương, ngày nào cũng trông theo những chuyến tàu. Chuyến tàu về đúng bến quê hương mình nhưng chưa bao giờ họ có thể bước lên.
![]() |
Ga Sài Gòn những cuối năm.
Đến ga Sài Gòn những ngày này mới cảm nhận được Tết gần kề đến mức nào. Vội vã, ồn ã và khẩn trương. Không khí này đến từ tiếng còi tàu reo inh ỏi, tiếng hành khách nói chuyện, giọng xen giữa háo hức và mệt mỏi. Còn là từ tiếng nhân viên nhà ga đang cần mẫn đẩy từng xe hàng chất cao, luôn miệng cười đùa như chẳng hề nhận ra rằng lại sắp thêm một năm họ đón Tết xa quê.
Những con người thầm lặng
Hòa lẫn trong cái xô bồ ồn ã ở nhà ga, những cái bóng áo xanh vẫn đẩy từng chiếc xe không ngơi nghỉ. Họ là những công nhân làm công việc truân chuyển hàng hóa.
![]() |
Những người âm thầm làm công việc vận chuyển hàng hóa ở sân ga.
Dẫu mưa hay nắng, ngày thường hay cuối tuần, cả những ngày lễ Tết, họ vẫn ở đó, chào đón những vị khách đến để chuyển từng chiếc vali, balo, túi xách chất lên chiếc xe bé nhỏ, rồi dùng sức đẩy từ cổng đến tận tàu cho khách. Công việc tuy đơn giản nhưng vất vả, nhất là vào những ngày cận Tết, nhu cầu đi lại tăng cao.
Làm việc từ sáng sớm đến đêm khuya
Những người làm truân chuyển ở ga Sài Gòn vẫn cứ làm luôn tay như vậy. Đón khách, hất hàng, đẩy vào, đẩy ra,…nhịp điệu tưởng như bất tận ấy kéo dài gần trọn một ngày, chỉ đến khi đôi tay đã chẳng thể gượng nổi những mỏi mệt nữa.
Chú Danh (40 tuổi) chia sẻ: "Một ngày làm việc của tôi bắt đầu từ 2h sáng. Tới 11h25 khuya thì hết tàu, lúc đó chúng tôi mới về nhà". Nói về công việc, chú giải thích: "Công việc của chúng tôi hằng ngày là phục vụ hành khách, giúp khách chuyển hàng cũng như giữ đồ cho họ. Những ngày này nhìn thấy bà con về quê an toàn lòng cũng vui lây".
![]() |
Nụ cười hiền hòa của một nhân viên vận chuyển hàng ở Ga Sài Gòn ngày cuối năm.
Chẳng nề hà về những vất vả của công việc, bạn Sơn (26 tuổi) chỉ cười: “Do đặc thù công việc của tụi mình nó đã vậy rồi, thời gian nghỉ ngơi vốn ít hơn những công việc khác. Giờ tàu chạy tàu đến thế nào thì mình phải làm theo vậy thôi". Bạn Dân (19 tuổi) cũng bộc bạch: “Mình làm dịch vụ mà, phải phục vụ mọi người mới tới bản thân chứ”.
Những công nhân truân chuyển ở đây đến từ nhiều nơi, ở nhiều lứa tuổi và hoàn cảnh nhưng tất cả đều vô cùng thân thiết. "Anh em thân thiết với nhau cũng đúng thôi. Một ngày gặp nhau nhiều hơn cả gia đình nữa”, Dân nói.
![]() |
Chàng trai 19 tuổi mưu sinh tại Ga Sài Gòn quên Tết.
Tết xa nhà nhưng trong lòng luôn hướng về quê hương
Dù đi làm xa quê từ lâu, thế nhưng nhìn thấy mọi người Tết này nô nức trở về, nhìn từng chuyến tàu quê hương cứ đến rồi đi, có ai mà chẳng đôi chút chạnh lòng. Những người công nhân áo xanh tự tìm cho mình niềm vui nhỏ nhỏ, những cách ăn Tết riêng. "Đêm 30 có lẽ mình sẽ về nhà bác, rồi ở lại đó đón Tết luôn. Mùng 1 mình gọi điền về cho gia đình thăm hỏi, chúc sức khỏe ba mẹ. Chắc ra Tết, công việc ổn định và có thời gian hơn, mình cố gắng về quê thăm nhà ít ngày", một nhân viên tên Sơn lạc quan.
![]() |
Dù không được đón Tết với người thân nhưng với họ được gặp gỡ nhiều người, chứng kiến sự háo hức cũng đủ vui.
Tàu đến, trước khi trở lại với công việc, những người công nhân không quên gửi lời chúc tới mọi người: "Mong sao bà con khắp đất nước mình đón một cái Tết nhiều sức khỏe và hạnh phúc. Hành khách đến với Ga Sài Gòn luôn có những chuyến đi an toàn", anh chàng tâm sự.
Xuân Hạ - Như Quỳnh - Việt Trần / Theo: ione.vnexpress.net