“Mức oxy của tôi chỉ còn 31, khi nào thì có ai đó giúp tôi?”.
Đó là dòng tweet cuối cùng trong một loạt những dòng tweet của Vinay Srivastava trước khi ông qua đời tại nhà vào ngày 17/4 ở thành phố Lucknow, phía Bắc Ấn Độ. Khi ấy, ông không thể thở nổi, bởi mức oxy trong máu thấp hơn nhiều so với mức bình thường (là 95 đến 100).
Xác một bệnh nhân COVID-19 tại một khu hỏa táng ở Delhi. Ảnh: Anindito Mukherjee/ Getty Images. |
Đêm hôm trước đó, Srivastava, 65 tuổi, đã đăng tweet rằng mức oxy máu của ông tụt xuống mức cực nguy hiểm là 52, nhưng ông không thể tìm được một giường trong bệnh viện, hay một bác sĩ, hay thậm chí là một bộ thử COVID-19. Qua một đêm thì chuyện cũng chẳng có gì thay đổi. Cho nên, ông và con trai đã làm điều duy nhất họ có thể làm: Đăng tweet để cầu cứu, bằng nhiều ngôn ngữ.
Những dòng tweet của họ được cả thế giới chia sẻ, nhưng không sự trợ giúp nào đến kịp thời. Trong vòng một tiếng sau dòng tweet cuối cùng, Srivastava qua đời.
Một người đang áp vào cửa kính ở một khu hỏa táng ở New Delhi, nơi người nhà của ông, đã qua đời vì COVID-19, đang chờ được hỏa táng. Ảnh: Anushree Fadnavis/ Reuters. |
Làn sóng thứ hai của virus corona đang tàn phá Ấn Độ. Đất nước này đang tiến rất nhanh đến tình trạng khẩn cấp về y tế. Nhiều bệnh viện hàng đầu ở New Delhi thông báo vào tối qua rằng nguồn cung cấp oxy của họ chỉ đủ duy trì vài giờ nữa, dù thành phố này ghi nhận 28.000 ca nhiễm mới và 277 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Gần 1 triệu ca nhiễm mới được ghi nhận chỉ trong 4 ngày vừa rồi. Ấn Độ hiện đang có số ca nhiễm mới mỗi ngày cao nhất thế giới.
Tuần trước, nước này ghi nhận hơn 1,5 triệu ca nhiễm mới. Hệ thống y tế của Ấn Độ đang đứng trước bờ vực sụp đổ. Bệnh nhân liên tục được hỏa thiêu.
Bên ngoài một bệnh viện lớn ở thành phố Ahmedabad, các xe cấp cứu chở bệnh nhân phải đợi nhiều giờ liền. Ảnh: The Washington Post. |
Cơ sở vật chất y tế của Ấn Độ, từ nơi xét nghiệm tới giường bệnh, từ thuốc tới nguồn cung oxy, đang rạn vỡ dưới sức ép của đợt bùng phát COVID-19 mới. Những lời khẩn cầu vô vọng của Srivastava chỉ là một trong số vô vàn lời nhắn của hàng ngàn người sử dụng mạng xã hội khác, nài xin được giúp đỡ. Ở bang Maharashtra, một người đã chở người cha đang bị bệnh của mình đi loanh quanh suốt 24 giờ, đi hàng trăm cây số, từ bang này sang bang khác, chỉ để cố tìm một giường bệnh.
Các bệnh viện, các nhân viên y tế, các lò hỏa táng đều đang khó lòng chống chịu. Ảnh: The Washington Post. |
Nhưng các bệnh viện biết làm thế nào được, khi những hàng dài bệnh nhân đang chờ đợi nhiều giờ liền mà vẫn không có giường, những bệnh nhân nặng buộc phải nằm chung giường, hành lang bệnh viện thì đầy những chiếc giường tạm - tất cả để đối phó với làn sóng ồ ạt của những ca nhiễm mới và nghiêm trọng hơn.
Hệ thống y tế không chống đỡ được virus, thì người ta đành tăng cường cơ sở vật chất cho việc xử lý các ca tử vong. Các khu hỏa táng trên khắp nước Ấn Độ đã “ngập xác chết”, theo tờ Foreign Policy.
Các giàn thiêu để hỏa táng bệnh nhân tử vong vì COVID-19 ở Surat. Ảnh: AFP. |
Ở thủ đô, các khu hỏa táng phải hoạt động suốt đêm, phải tăng cả số nhân viên vì xác người cứ chồng chất lên. Ở thành phố Surat, phía Tây Ấn Độ, thì cơ sở vật chất của chính những khu hỏa táng cũng đang sụp đổ, vì không thể chịu nổi sức ép của việc hoạt động suốt ngày đêm. Thậm chí, ở bang Gujarat, các lò hỏa táng hoạt động không ngừng, đến mức những bộ phận kim loại của lò bắt đầu nóng chảy, theo trang Al Jazeera.
Việc hỏa táng liên tục lại dẫn tới một vấn đề nữa, đó là số ca tử vong không được đếm hết. Số ca tử vong thực có thể cao hơn nhiều so với những con số được báo cáo. Như ở Gujarat, một số phóng viên đã đứng ngay bên ngoài bệnh viện hoặc các khu hỏa táng để đếm số ca tử vong. Họ thấy, ở thành phố Ahmedabad, có một ngày, con số tử vong được công bố là 20, nhưng phóng viên của tờ báo địa phương Sandesh đã đếm được 63 ca tử vong chỉ tại một bệnh viện công trong chính ngày đó.
Một khu hỏa táng ở New Delhi. Ảnh: Naveen Sharma/ SOPA Images/ LightRocket/ Getty Images. |
Những thành phố lớn như New Delhi và Mumbai đã tuyên bố “tình trạng khẩn cấp về oxy” và yêu cầu chính quyền phải hành động nhanh chóng hơn. Thuốc remdesivir để điều trị cũng thiếu. Nhiều gia đình đã phải xếp hàng rất lâu để cố mua thuốc, hoặc phải chi ra những khoản tiền khổng lồ để mua từ “chợ đen”.
Nỗi sợ hãi đang gia tăng, tỷ lệ thuận với số ca nhiễm mới và số ca tử vong. Và từ các bệnh viện chật ních bệnh nhân đến những lời khẩn cầu tuyệt vọng trên mạng xã hội, có một điều hiện ra rất rõ ràng: Cái giá của thất bại trong năm nay có thể cao hơn năm ngoái rất nhiều lần.