Hồ sơ “thợ săn”
Trần Thị Diệu Liên, cựu học sinh lớp chuyên Anh khóa 12 - 15, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM. Có một thời gian là “tâm điểm” báo chí trong nước khi “ẵm” trọn học bổng trị giá khoảng 7 tỷ đồng cho 4 năm học tại Đại học Harvard (Mỹ) về Khoa học kĩ thuật bất chấp hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Diệu Liên hiện đang theo học tại Đại Học Harvard (Mỹ) với học bổng toàn phần trị giá khoảng 7 tỷ đồng.
Sở thích “trên mây”
Liên có một thói quen kì lạ là hay thả mình “trên mây” để suy nghĩ về những thứ tình cờ bắt gặp trên đường, về vũ trụ và cách mọi thứ liên kết với nhau. Liên kể có lần đang đi trên đường mà đầu óc lại đi du lịch, lúc “hoàn hồn” thì nguyên cây cột điện suýt đập thẳng vô mặt. Chính thói quen “bay bổng” này là điều khiến cô bạn dễ mất tập trung vì hay bỏ ngỏ chuyện đang làm để tâm hồn lơ lửng trên cây. Nhưng cũng vì “nhược điểm” này mà Liên có nhiều ý tưởng chưa ai nghĩ tới, như đề tài khoa học Bảng chữ nổi điện tử cho người khiếm thị mà nhóm của Liên “rinh” giải trong cuộc thi khoa học kĩ thuật quốc tế Intel ISEF 2014 chẳng hạn!
Liên tự nhận thấy mình là một người hơi “khìn khìn” nên tự do tung tăng trong “thế giới khác” là cách cô bạn cân bằng chính mình. Cộng thêm cá tính kiên quyết, muốn thử nghiệm tất cả đã đưa đến một Diệu Liên như hôm nay.
![]() |
Khi còn học ở trường cấp Ba, Diệu Liên là một cô bạn cực kì vui tính.
Lạ lùng cách chọn môn chuyên
Trong khi sở thích là học chuyên Tin và sáng tạo khoa học kỹ thuật nhưng khi thi vào cấp Ba, Liên lại đậu vào chuyên Sinh và chuyên Anh của hai trường THPT lớn ở TP.HCM. Cuối cùng Liên quyết định chọn học chuyên Anh và tự mày mò “cơ khí” tại nhà. Liên cho rằng, việc tự học nếu quyết tâm và động lực đủ lớn thì bạn sẽ làm được. Với cô bạn, tiếng Anh giống như một chiếc chìa khóa mở cánh cửa Khoa học kỹ thuật mà mình yêu thích vì trong quá trình nghiên cứu “lắc não” bạn phải đọc rất nhiều tài liệu bằng ngôn ngữ này, đây cũng là bước đệm để “nâng” bạn í chạm tới giấc mơ du học.
Nói về việc làm thế nào để học giỏi mà không tốn tiền học thêm, Liên giải thích đơn giản: Cũng giống như việc tập thể dục, chạy vòng quanh công viên cũng đủ khỏe rồi không nhất thiết phải đến phòng gym. Với một chiếc máy tính kết nối mạng là bạn đã có đầy đủ phương tiện học tập rồi, quan trọng là bạn có ý chí và đam mê học tập không thôi mà, đúng không?
![]() |
Diệu Liên tham gia buổi nói chuyện của cựu tổng thống Mỹ Obama khi ông sang Việt Nam.
Không dồn toàn phần công lực cho việc học
Cảm hứng của Liên đến từ những “tiền bối” đi trước, khi biết các anh làm rất nhiều thứ hay ho không bó buộc lĩnh vực nào - Vật Lý hay Hóa học... Liên cảm thấy điều đó thật là “siêu phàm”. Vậy là cô bạn chia “quỹ” thời gian của mình cho đủ thứ: Từ tập tành chụp ảnh, tập thể dục, có thời gian còn làm cộng tác viên báo chỉ vì tò mò. Một lần, Liên bị bố “nhắc khéo” việc tốn thời gian vào việc viết những loạt bài chia sẻ kinh nghiệm học hành trên trang cá nhân, thế nhưng Liên vẫn tiếp tục với châm ngôn “Pay it forward”, cố gắng giúp đỡ những người khác vì mình cũng đã nhận được rất nhiều sự trợ giúp từ thầy cô và bạn bè. Xếp sách vở lại và tham gia hoạt động ngoại khóa cũng là cách cô bạn ghi điểm trong hồ sơ và có được những câu chuyên gây ấn tượng trong bài luận của mình.
Một cô bạn “tưng tửng”
Cách nghĩ “khác người”, chọn hướng đi hơi “hành tinh khác” như trên với những nhà tuyển trạch tinh ý lại chính là những điểm cộng về cá tính, lập trường riêng ấn tượng. Liên còn có cho mình một bộ sưu tập quần bông hoa lá hẹ “xinh xẻo” làm “gia tài” cùng cả một hội bạn quậy tưng chứ chả thua “hội hộc bàn” nào. Không phải cứ phải “cách ly” với thế giới chăm chăm cho việc “dùi mài kinh sử” mới trở thành “siêu nhân lớp”. Cứ là một “dị nhân” thật đặc sắc theo cách của bạn thôi!
JOLIE TÁO