MUN - Tấm vé quyền lực để bạn bước vào “Liên hợp quốc”
MUN tuy còn khá mới nhưng những năm gần đây đã trở thành sân chơi màu mỡ cho những bạn trẻ ưa tranh luận. MUN - tên viết tắt của Model United Nations là mô hình mô phỏng Liên hợp quốc. Tại đây, các bạn sẽ được đóng vai các delegates (đại biểu) đến từ các nước khác nhau trên thế giới và bàn luận về các vấn đề chính trị, kinh tế, môi trường, xã hội toàn cầu thông qua các committees (hội đồng) như là UNHRC (Hội đồng về nhân quyền), EU (Hội đồng châu Âu), GA (Đại hội đồng Liên hợp quốc),… Nghe là thấy oách rồi, nhỉ!
Bạn Hương Hoàng (admin HCMMUN 2017) kể: "Ở MUN, tớ đã được “sống” trong không khí một hội nghị thực thụ như thể tớ đang ở Hội đồng Nhân quyền (UNHRC) của chính Liên hợp quốc. Trước tiên, tớ phải chấp hành dress code (nôm na là “đồng phục”) thiệt nghiêm chỉnh với vest, váy đen, áo sơ mi và giày công sở. Ngày hội nghị đầu của tớ đã bắt đầu với lobby session (khoảng thời gian ngắn để các đại biểu bàn bạc với nhau và viết dự luật) rôm rả. Nhưng ngay hôm sau tớ đã thực sự cảm giác được lửa của các cuộc tranh luận, tin nhắn được chuyền đi khắp nơi trong phòng: Nào là lôi kéo đồng minh về phe mình, thăm dò “chiến tuyến” bờ Tây".
Tại MUN, mỗi bạn sẽ được làm đại biểu của một quốc gia.
Khi đã quyết định tham gia MUN, kĩ năng lớn nhất bạn học được sẽ là kĩ năng hùng biện, hay ít nhất kỹ năng thuyết phục người khác. Ở trong hội nghị, các bạn sẽ được làm việc cùng nhau để viết nên những resolutions (nghị quyết) - hiểu nôm na là các dự luật để giải quyết những vấn đề “nóng bỏng tay” trên toàn cầu. Chẳng hạn như lao động trẻ em, bán dâm, khủng hoảng kinh tế,…
Một khi nghị quyết được viết ra, người trình bày resolutions sẽ phải thuyết phục the house (tức tất cả các đại biểu của hội đồng) để dự luật được thông qua. Trong quá trình bàn luận, các đại biểukhác sẽ tranh biện, bác bỏ, đồng thuận hoặc đề xuất chỉnh sửa dự luật. Người trình bày dự luật sẽ phải “xoắn” hết cả não để thuyết phục cả hàng chục đại biểu trước khi hội đồng tiến tới khoảnh khắc quyết định là voting procedure (khi tất cả mọi người biểu quyết để xem liệu dự luật có được thông qua hay không). Nhờ cách đặt bạn vào những tình thế “đau tim” và bạn không thể làm gì khác ngoài cố gắng đưa ra những lập luận thuyết phục, MUN trở thành một trong những “lò luyện” kĩ năng hùng biện tuyệt vời nhất dành cho teen đấy!
Lý do khiến MUN "cool ngầu" nữa là 100% ngôn ngữ dùng trong MUN là tiếng Anh. Tham gia MUN xong, bạn sẽ trở thành một “chuyên gia đáng gờm” về tiếng Anh trong các lĩnh vực khó nhằn như chính trị, kinh tế, các vấn đề xã hội nhức nhối… mà trước giờ bạn chỉ biết “lõm bõm” vài từ. Bởi vì, để chuẩn bị những bài phát biểu hùng hồn trước khi đối mặt với sự “công kích” của cả hội đồng, bạn phải nghiên cứu hết mọi ngóc ngách của vấn đề để lỡ có bị “bẻ” lại thì bạn vẫn trụ được.
Thế là, nhờ sự nghiên cứu, tìm hiểu ấy mà vốn từ của bạn được cải thiện hẳn. Việc sử dụng liên tục Tiếng Anh trong suốt conference (hội nghị) sẽ giúp bạn tự tin hơn trong việc sử dụng khối lượng Anh ngữ của mình, và hơn cả là học được ngôn ngữ Tiếng Anh của môi trường trang trọng (thay vì trước giờ tụi mình chỉ quen sử dụng những từ ngữ để giao tiếp bình dân thôi), và việc này cực cần thiết nếu bạn muốn làm hồ sơ đi du học, hay đơn giản là muốn làm điểm cao các bài luận trong IELTS (vì ngôn ngữ trong IELTS rất trang trọng, bài bản đấy!).
Theo kinh nghiệm của những bạn tham gia MUN, nếu bạn có ý muốn đi du học, hãy tham gia MUN ngay vì đó chính là nơi tụ hội những du học sinh xuất sắc. Gia Hương (admin HCMMUN 2017) cũng bất ngờ: “Phần lớn các bạn tham gia MUN đều có định hướng đi du học và có cả những anh chị du học sinh rất dày dặn kinh nghiệm. BTC còn có rất nhiều du học sinh ưu tú đến từ các trường “khủng” trên thế giới. Mấy buổi trưa của mình tại MUN thi thoảng cũng trở thành “hội thảo du học” thu nhỏ, qua mấy buổi nói chuyện với các anh chị và các bạn mình đã thu thập được ti tỉ thông tin lý thú”.
Tìm cho mình một vai thích hợp tại MUN có khó không?
Vị trí được ưa chuộng nhất là vị trí delegate, người đại điện cho các nước, tìm hiểu về các chính sách và tranh cãi nãy lửa về các vấn đề toàn cầu, làm delegate sẽ giúp bạn thử thách khả năng hùng biện của mình. Nhưng nếu bạn là người thích lắng nghe và có đầu óc phân tích sắc bén, bạn hoàn toàn có thể điền tên mình vào vị trí chair (người chủ trì hội nghị) để quan sát toàn cục và điều phối cuộc họp.
Bạn Nghĩa Lê (Chair - hội nghị MUN Ecofin 2016) tâm sự: “Làm Chair giúp mình có thể dễ dàng quan sát được cục diện của toàn bộ hội nghị, mình thực sự rất ấn tượng với vốn hiểu biết của mọi người, điều này cũng phần nào trở thành động lực để mình thúc đẩy bản thân và trau dồi tri thức. Ngoài ra, môi trường làm việc chuyên nghiệp của MUN đã giúp mình nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của trách nhiệm trong công việc.”
Những bạn có đam mê viết lách, bạn hoàn toàn có thể tham gia team Press (Báo chí), nơi bạn luôn có thể thử sức viết nên những bài báo thời sự và mang tầm vĩ mô. Bạn Đăng Nguyễn (Press - HCMMUN 2016) chia sẻ cảm nhận khá hay ho khi tham gia “cánh báo chí”: “Nhờ nghe và viết về các conference (hội nghị), mình thấy được các mặt tối của con người trong một quá trình tranh luận, qua đó mà có thể điều tiết được phong cách tranh luận của bản thân.”
Một chân trong Organizing team (Ban tổ chức) cũng là một lựa chọn đáng cân nhắc vì bạn sẽ có cơ hội làm việc chuyên nghiệp trong tất cả các mảng từ truyền thông cho đến hậu cần và tích luỹ được vốn kinh nghiệm cực quý giá. BTC của MUN còn được miễn phí cả tiền vé khá “chát” của hội nghị nữa đó!
Đặng Hoàng Long (Ban Hậu cần - HCMMUN) cũng cho hay: “Thông qua MUN mình đã học được gần như toàn bộ các hoạt động liên qua đến công việc Hậu cần. Nhờ sự giúp đỡ của bộ sậu BTC HCMMUN cực ngầu mà mình đã thành thạo được nhiều thao tác từ thuê venue (địa điểm), tính toán dự trù cho đến chạy sự kiện”.
Làm sao để nhập hội với MUN?
Có vô vàn những tổ chức phi lợi nhuận tổ chức MUN tại Việt Nam và bạn có thể đăng ký vào bất cứ đâu. Các hội nghị thường được tổ chức vào Hè khi mọi người có thời gian để tham gia trọn vẹn hội nghị và đơn đăng ký sẽ được mở từ khoảng một tháng trước đó nên các bạn nhớ hãy “hóng” thiệt kỹ để không lỡ mất cơ hội nhé!
Các tổ chức uy tín nhất có thể kể đến là HCMMUN, IVMUN,… hoặc các bạn có thể tham gia trực tiếp vào CLB trường, như NKMUN (MUN của trường Phổ thông Năng Khiếu, TP.HCM).
Yêu cầu của MUN có thể tóm gọn trong hai điều: Một vốn Tiếng Anh kha khá, và một chút quan tâm và hiểu biết đến các vấn đề quốc tế có phần khó xơi như: Kinh tế, chính trị, xã hội,… Ngoài ra, chi phí dao động từ 500K đến 600K. Dù vậy đối với hầu hết những bạn tham gia MUN, đây là một cái giá khá hời cho trải nghiệm lý thú mà bạn sắp được thụ hưởng ở MUN đấy!
Ghé những website: bestdelegate.com, munplanet.com, helpmymun.com,… và theo dõi fanpage các tổ chức là cách hay để “làm quen” với MUN. Tại đây, bạn sẽ được chỉ dẫn 101 điều cần biết khi tham gia MUN và bạn sẽ không phải bỡ ngỡ.
GIA HƯƠNG