Thêm 3.552 ca mắc COVID-19, nâng tổng số mắc trong ngày lên 7.531 ca
Bản tin dịch COVID-19 tối 25/7 của Bộ Y tế cho biết có thêm 3.552 ca mắc COVID-19, trong đó TP.HCM có 2.227 ca. Tổng số ca mắc trong ngày hôm nay là 7.531 ca. Trong ngày có 1.755 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Trong ngày 25/7 có 7.531 ca mắc mới, trong đó 6 ca nhập cảnh và 7.525 ca ghi nhận trong nước tại TP.HCM (4555), Bình Dương (1249), Tây Ninh (313), Đồng Nai (253), Tiền Giang (218), Khánh Hòa (172), Bà Rịa - Vũng Tàu (126), Phú Yên (109), Đồng Tháp (90), Bình Thuận (78), Cần Thơ (56), Vĩnh Long (50), Bến Tre (45), Trà Vinh (27), Bình Phước (26), Kiên Giang (25), Đà Nẵng (16), Hà Nội (15), Đắk Lắk (14), Quảng Nam (11), Vĩnh Phúc (11), Hậu Giang (10), Sóc Trăng (9), Ninh Thuận (7), Bắc Ninh (6), Bình Định (6), Gia Lai (6), Đắk Nông (4), Nghệ An (4), Quảng Ngãi (4), Bạc Liêu (3), An Giang (2), Thừa Thiên Huế (2), Lâm Đồng (1), Hà Nam (1), Thanh Hóa (1).
Điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh minh họa từ Internet |
Thêm 5 ca dương tính nCoV ngoài cộng đồng, Đà Nẵng đóng cửa cảng cá
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Đà Nẵng chiều 25/7, lãnh đạo Văn phòng UBND thành phố cho biết, trên địa bàn vừa ghi nhận thêm 26 trường hợp dương tính nCoV.
Trong số này, có 5 trường hợp phát hiện dương tính nCoV ngoài cộng đồng. Cụ thể, có 4 bệnh nhân phát hiện qua xét nghiệm tại khu vực cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà) và 1 bệnh nhân có triệu chứng đến khám tại Trung tâm Y tế quận Thanh Khê.
Đến thời điểm hiện tại, liên quan đến chuỗi lây nhiễm cảng cá Thọ Quang ghi nhận tổng cộng 31 ca dương tính nCoV. Chuỗi lây nhiễm lò mổ Đà Sơn (quận Liên Chiểu) ghi nhận 25 ca dương tính. Hai chuỗi này được đánh giá đang phức tạp và có nguy cơ rất lớn.
Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh thống nhất, tạm dừng hoạt động tại cảng cá Thọ Quang bắt đầu từ 15h ngày 26/7 để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Hà Nội cho phép shipper nào được hoạt động?
Cụ thể, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết thành phố chia shipper gồm 2 đối tượng. Với nhân viên của các cơ quan bưu chính, siêu thị, sàn thương mại điện tử (TMĐT) thì thành phố cho phép hoạt động, nhưng phải đảm bảo các điều kiện phòng dịch, quản lý chặt chẽ. Các shipper tự do, chủ yếu phục vụ hàng ăn uống thì thành phố cấm hoạt động.
Điều này đồng nghĩa shipper, tài xế đối tác của các ứng dụng gọi xe như Grab, Be, Gojek, MyGo và FastGo vẫn không được hoạt động trên địa bàn Hà Nội sau Chỉ thị 17.
(Ảnh minh họa từ Internet) |
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cũng cho biết đối với đội ngũ nhân viên chuyển phát của các doanh nghiệp bưu chính và lực lượng giao nhận của các siêu thị có cơ quan quản lý và chịu trách nhiệm nên không bị cấm, vẫn được cho phép hoạt động. Tuy nhiên các đơn vị này sẽ cần gửi danh sách nhân viên giao nhận và chịu trách nhiệm quản lý công tác phòng dịch về Sở GTVT.