Bão Lee, hiện là bão mạnh Cấp 3 với sức gió khoảng 195 km/h, là một trong số rất ít những cơn bão ở khu vực Đại Tây Dương, tính trong kỷ nguyên vệ tinh, đã tăng vọt về cường độ (tăng 136 km/h hoặc hơn) chỉ trong vòng 24 giờ. Đây là mức tăng nhiều hơn gấp đôi so với định nghĩa về “tăng cường độ nhanh” của Trung tâm Bão Quốc gia (NHC) của Mỹ. Theo định nghĩa đó thì “tăng cường độ nhanh” là khi một cơn bão tăng sức gió lên 56 km/h hoặc hơn trong 24 giờ.
Cụ thể, vào 4h chiều 7/9, Lee là bão Cấp 1 với sức gió duy trì tối đa là 128 km/h. Đúng 24 giờ sau, tức là vào chiều 8/9, Lee đã thành bão Cấp 5 với sức gió khó tưởng tượng: 266 km/h, theo ABC News.
Đường đi dự báo của bão Lee, xoáy ốc màu cam là vị trí hiện tại vào sáng 11/9. Ảnh: Zoom Earth. |
Do điều kiện khí hậu không thuận lợi cho bão nên bão Lee yếu đi một chút vào ngày thứ Bảy (9/9) và trở thành bão Cấp 2 vào hôm qua (10/9). Nhưng trái với những dự đoán rằng nó đang trên đà yếu dần đều, bão Lee đã lại nhanh chóng trở thành bão Cấp 3 vào sáng nay (11/9) với sức gió 195 km/h, theo trang Zoom Earth, và được dự báo sẽ tăng tiếp lên Cấp 4 vào chiều nay.
Trang Independent của Anh gọi sự tăng cường độ của bão Lee là “có tính lịch sử”, vì nó đã là một trong những cơn bão tăng cường độ nhanh nhất ở Đại Tây Dương.
Nước ấm ở đại dương được cho là lý do khiến bão Lee tăng cường độ nhanh khác thường. Ảnh: ABC News. |
Rất hiếm có các cơn bão tăng cường độ nhanh như bão Lee. Theo ABC News thì trước đây, đáng kể là có bão Matthew năm 2016 và bão Wilma năm 2005 đạt được mức tăng như vậy. Chỉ trong 24 giờ, bão Wilma tăng từ Cấp 1 (sức gió 120 km/h) lên Cấp 5 với sức gió khủng khiếp 298 km/h.
Lý do chính khiến bão Lee tăng cấp nhanh như vậy được cho là nước ấm ở đại dương, hiện nay nước ở nơi có bão ấm hơn mức trung bình, và nước ấm đó phần lớn là do biến đổi khí hậu.
Bão Wilma cũng là cơn bão tăng cường độ rất nhanh, đổ bộ bang Florida (Mỹ) năm 2005. Ảnh: Ocala Star-Banner. |
Hiện người ta chưa thể dự báo là bão Lee có đổ bộ vào đâu không, chỉ biết rằng nó gây sóng lớn và những dòng chảy nguy hiểm trên biển, gần Puerto Rico, các đảo thuộc Mỹ…, có thể gây mưa to trong đất liền. Trong tuần này, nó có thể di chuyển dọc theo bờ biển phía Đông của Mỹ, theo NHC.